Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm chính thức Nhật Bản: Dấu ấn nổi bật trong 5 thập kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao
Nhận lời mời của Nhà nước Nhật Bản, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao đã thực hiện chuyến thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 27 đến 30-11. Đây là chuyến thăm chính thức Nhật Bản đầu tiên của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trên cương vị người đứng đầu Nhà nước và là chuyến thăm Nhật Bản thứ tư của các Chủ tịch nước Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Trải qua 50 năm vun đắp và xây dựng, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng được củng cố và phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực, trở thành một điểm sáng trong việc triển khai đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Việt Nam và Nhật Bản đã lần lượt xác lập khuôn khổ quan hệ từ đối tác tin cậy, ổn định lâu dài năm 2002 lên đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á năm 2009 và đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á năm 2014. Sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau không ngừng được nâng cao, tạo nền tảng ngày càng tốt đẹp, xúc tiến nhiều hơn nữa các chương trình, dự án hợp tác song phương.
Nhật Bản hiện là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh, văn hóa, giáo dục, lao động, du lịch… Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, góp phần củng cố quan hệ tin cậy, đề ra những định hướng lớn cho sự phát triển có hiệu quả trong quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực.
Ngoài các hoạt động trao đổi đoàn cấp cao, hai nước hiện cũng đang duy trì hiệu quả các cơ chế đối thoại, như Ủy ban Hợp tác Việt - Nhật do hai Bộ trưởng Ngoại giao làm đồng Chủ tịch từ năm 2007; đối thoại đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản về ngoại giao - an ninh - quốc phòng cấp Thứ trưởng ngoại giao từ năm 2010; đối thoại chính sách quốc phòng Việt - Nhật cấp Thứ trưởng từ tháng 11-2012; Ủy ban Hỗn hợp về thương mại, năng lượng và công nghiệp từ năm 2014; đối thoại chính sách biển Việt Nam - Nhật Bản cấp Bộ trưởng (thành lập từ tháng 12-2019)…
Nhật Bản là nước cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng số vốn của các nhà tài trợ nước ngoài dành cho Việt Nam, với 29,3 tỷ USD trong đó viện trợ không hoàn lại là 1,8 tỷ USD. Nguồn vốn ODA của Nhật Bản góp phần quan trọng trong việc phát triển các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, tạo động lực lan tỏa tích cực, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững; hỗ trợ chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam.
Về thương mại, hai nước đã dành cho nhau Thuế suất Tối Huệ quốc từ năm 1999. Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước tăng đều qua các năm. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt 47,6 tỷ USD. Trong 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Nhật Bản đạt trên 32,9 tỷ USD. Nhật Bản là thị trường nhập khẩu lớn các mặt hàng phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng thủy sản, máy vi tính và sản phẩm điện tử và linh kiện… mà Việt Nam có thế mạnh; ngược lại, Nhật Bản xuất khẩu chủ yếu máy móc, phụ tùng, thiết bị… sang Việt Nam. Tổng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) của Nhật Bản vào Việt Nam đạt khoảng 2,9 tỷ USD, tăng 50% so với cùng kỳ 2022. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã có 106 dự án đầu tư sang Nhật Bản với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 19,5 triệu USD.
Hai nước cũng hợp tác chặt chẽ và hiệu quả tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, như Liên hợp quốc, các hội nghị ASEAN+, APEC, ASEM… đóng góp ngày càng tích cực vào hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, phù hợp với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của Nhà nước Việt Nam.
Ngoài việc nhìn lại những bước tiến trong quan hệ Nhật Bản - Việt Nam từ trước đến nay, chuyến thăm này còn truyền đi thông điệp rằng sự hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam không chỉ là mối quan hệ song phương mà đang trở thành mối quan hệ có thể cùng đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng của khu vực và thế giới. Chuyến thăm cũng nhằm đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực mới như là chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…
Trong thời điểm hai nước trải qua chặng đường dài hợp tác tin cậy và phát triển sâu rộng, chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng được đánh giá là mang ý nghĩa lịch sử và trở thành một trong những dấu ấn nổi bật nhất của năm kỷ niệm 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.