Nông nghiệp - Nông thôn

Tăng giá trị nông sản, làng nghề nhờ OCOP

Nguyễn Mai 27/11/2023 - 07:17

Hà Nội có nhiều nông sản thực phẩm đặc sắc gắn với 1.350 làng nghề và làng có nghề. Tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố, nhiều chủ thể, địa phương đầu tư ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu trong sản xuất, cải tiến mẫu mã, tăng giá trị cho sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng...

danh-gia-phan-hang-san-pha.jpg
Đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của huyện Chương Mỹ năm 2023.

Thành công nhờ khai thác lợi thế

Những ngày này, nông dân xã Đông Dư (huyện Gia Lâm) đang thu hoạch ổi trái vụ với giá 40 nghìn đồng/kg, cao gấp đôi so với ổi lê giống Đài Loan (Trung Quốc). Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đông Dư Nguyễn Quang Huy phấn khởi cho biết: Ổi Đông Dư là thương hiệu có tiếng trên thị trường. Từ nhiều năm nay, địa phương chuyển toàn bộ diện tích đất trồng cây lương thực sang trồng ổi (105ha). Đặc biệt, năm 2022, ổi Đông Dư được thành phố công nhận sản phẩm OCOP 4 sao càng giúp việc sản xuất, tiêu thụ thuận lợi. “Khi tham gia Chương trình OCOP, chúng tôi nhận thấy người tiêu dùng tin tưởng sản phẩm hơn, nhờ đó, ổi cũng bán được giá cao hơn so với trước kia”, ông Huy nói.

Cùng với ổi Đông Dư, thành phố Hà Nội có hàng trăm nông sản đặc sản như: Bưởi Phúc Thọ, gà Mía, Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), gạo Khu Cháy (Ứng Hòa)… đều được "gắn sao" OCOP vừa tăng giá trị kinh tế, vừa quảng bá nét văn hóa vùng miền của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Hà Nội có lợi thế rất lớn trong phát triển sản phẩm OCOP. Trên nền tảng văn hóa lâu đời với 1.350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước nên Hà Nội có nhiều lợi thế trong đánh giá, phân hạng sản phẩm.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường chia sẻ, đối với nông sản, sản phẩm OCOP của Hà Nội, thay vì dự thi đánh giá phân loại ở dạng thô, sản phẩm chế biến sâu đang ngày một nhiều hơn. Những năm gần đây, công nghiệp chế biến nông sản của Hà Nội có bước phát triển đáng ghi nhận. Nhiều doanh nghiệp đầu tư từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến, kho lạnh, kho bảo quản… góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.

“Lương thực, thực phẩm là mặt hàng có thời gian bảo quản ngắn nên chế biến là giải pháp tối ưu để khắc phục hạn chế này. Hơn nữa, sản phẩm chế biến còn cho hiệu quả kinh tế gấp 2-3 lần so với sản phẩm thô”, ông Tường nhấn mạnh.

Với những lợi thế đó, từ năm 2019 đến hết năm 2022, Hà Nội có 2.167/9.852 sản phẩm OCOP cả nước (chiếm 22%); năm 2023 có 28/30 quận, huyện, thị xã đánh giá và đánh giá lại 548 sản phẩm, tập trung rất nhiều nông sản, sản phẩm làng nghề.

Tại hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của huyện Chương Mỹ vừa diễn ra ngày 23-11, có 40 sản phẩm tiêu biểu của 17 chủ thể tham gia đánh giá, phân hạng, đa số là sản phẩm nông sản và làng nghề, như: Bưởi Lộc Tiên, trứng gà sạch Cường Hương, gạo hữu cơ Đồng Phú… cùng sản phẩm thủ công mỹ nghệ như: Hộp đựng trang sức, vali, túi thời trang… làm từ mây tre giang đan. Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về vùng nguyên liệu và sử dụng lao động địa phương.

Thêm hỗ trợ cho chương trình

Khai thác lợi thế phát triển sản phẩm OCOP đã được thành phố và các địa phương quan tâm. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch, huyện hỗ trợ hơn 100 triệu đồng xây dựng thí điểm 2 cửa hàng kinh doanh, giới thiệu sản phẩm thế mạnh của huyện, có nhãn hiệu, truy xuất được nguồn gốc tại Hợp tác xã Sản xuất - kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (xã Phương Tú) và siêu thị Hiền Lương (xã Hòa Xá) để trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP. Đặc biệt, trong tháng 7-2023, UBND huyện phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố tổ chức thành công Festival nông sản Hà Nội lần thứ 2 tại Ứng Hòa nhằm đẩy mạnh quảng bá nông sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống tiêu biểu...

Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu cho biết, sở hữu số lượng làng nghề dẫn đầu Hà Nội, huyện đã hỗ trợ các xã, chủ thể lựa chọn sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, đặc biệt là mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Trước kia, sản phẩm mây tre đan đã xuất khẩu nhưng khi "đạt" OCOP thì càng được củng cố thêm giá trị, tăng lượng tiêu thụ...

Theo Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, văn phòng tích cực hỗ trợ các chủ thể sản xuất có sản phẩm đặc trưng, thế mạnh để đầu tư sản xuất, gia tăng số lượng, chất lượng, tăng sức lan tỏa; đồng thời, tuyên truyền về giá trị văn hóa của sản phẩm để các chủ thể chú trọng lưu giữ, phát huy và người tiêu dùng biết đến, lựa chọn; hỗ trợ các chủ thể, địa phương tham gia hội chợ, triển lãm quảng bá... nhằm nâng tầm sản phẩm OCOP cấp thành phố.