Lương - Bảo hiểm

Khắc phục việc chậm đóng bảo hiểm xã hội: Triển khai nhiều giải pháp “nóng”

Vũ Minh 27/11/2023 - 07:12

Bảo đảm các quyền lợi chính đáng cho người lao động là mục tiêu xuyên suốt của các cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội.

Trước tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội diễn ra phổ biến, những tháng cuối năm 2023, các cơ quan chức năng phối hợp triển khai nhiều giải pháp “nóng” nhằm đôn đốc thu, giảm tối đa số tiền chậm đóng.

co-quan-chuc-nang-huyen-thu.jpg
Cơ quan chức năng huyện Thường Tín đối thoại với các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội.

Những con số đáng suy ngẫm

Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của cả nước trong 10 tháng năm 2023 là 377.931 tỷ đồng, đạt 78,6% kế hoạch cả năm, tăng 32.542 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, khoản tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội vẫn là những con số đáng suy ngẫm. Dẫn chứng là, cả nước còn hàng trăm nghìn đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng các chính sách cho người lao động với số tiền khoảng 14.650 tỷ đồng, trong đó có 4.164 tỷ đồng thuộc diện khó thu hồi…

Càng ở những địa phương tập trung đông lao động, thì số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội càng nhiều. Tại Hà Nội, đến thời điểm hết tháng 10 năm 2023, các cơ quan chức năng ghi nhận gần 86.000 đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm với số tiền lũy kế lên tới 5.440 tỷ đồng của 1,2 triệu người lao động, bằng 8,46% tổng số tiền cần thu.

Đáng chú ý, số tiền chậm đóng của các đơn vị đã ngừng giao dịch, khó thu hồi, thậm chí không có khả năng thu hồi hiện là 1.722 tỷ đồng, chiếm 31,6% tổng số tiền chậm đóng. Khoản chậm đóng phải tính lãi là 1.843 tỷ đồng, bằng 2,87% so với tổng số tiền cần thu.

“Dù xuất phát từ yếu tố khách quan hay nguyên nhân chủ quan, thì việc chậm đóng bảo hiểm xã hội của các đơn vị, doanh nghiệp vừa là hành vi vi phạm pháp luật, vừa ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động. Đó cũng là nguyên nhân làm ảnh hưởng xấu đến an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô”, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Vũ Đức Thuật trăn trở.

Về phía người lao động phải chịu thiệt đơn, thiệt kép khi đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội. Chị Nguyễn Thị Xuân Lam, trú tại phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) cho biết: “Tôi làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại một công ty cổ phần Anh ngữ có trụ sở trên địa bàn phường từ năm 2017. Thời gian đầu, chúng tôi được đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ. Tiếc rằng, khoảng 3 năm trở lại đây, do khó khăn, công ty chậm đóng bảo hiểm xã hội, khiến chúng tôi không được hưởng nhiều chế độ. Cá nhân tôi sinh con từ đầu năm 2022, đến nay vẫn chưa được giải quyết chế độ thai sản”.

Bảo đảm quyền lợi cho người lao động

Thời gian còn lại của năm 2023 không nhiều, trong khi số tiền cần thu về Quỹ Bảo hiểm xã hội đang là con số không nhỏ, đòi hỏi các bên liên quan cần ráo riết vào cuộc.

Trên tinh thần đó, các ngành chức năng từ trung ương đến cơ sở triển khai nhiều giải pháp “nóng”. Dưới góc độ thực hiện chính sách, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh quán triệt, trong tháng 11 và 12, toàn ngành tập trung cao điểm đôn đốc thu bằng những cách thức linh hoạt, phù hợp. Đối với những đơn vị có dấu hiệu vi phạm, các bên tiến hành thanh tra liên ngành, chuyên ngành, kịp thời xử lý hoặc đề xuất xử lý nghiêm hành vi vi phạm, hạn chế tỷ lệ chậm đóng bảo hiểm xã hội ở mức thấp nhất.

Cùng mục tiêu bảo đảm quyền lợi cho người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu các cấp Công đoàn đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ lao động tại những doanh nghiệp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, tiềm ẩn nguy cơ nợ lương, chậm đóng bảo hiểm xã hội. Với các doanh nghiệp hiện chậm đóng hoặc có nguy cơ chậm đóng, Công đoàn sở tại cùng chính quyền địa phương và đơn vị liên quan đôn đốc người sử dụng lao động sớm hoàn thành trách nhiệm, không để người lao động chịu thiệt thòi trước thềm năm mới 2024.

Ở cơ sở, các tỉnh, thành phố cũng chủ động triển khai nhiều giải pháp khắc phục tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội. Tại Hà Nội, UBND thành phố vừa có Công văn số 3774/UBND-KGVX chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với cơ quan điều tra xử lý các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu gian lận, trốn đóng, trục lợi bảo hiểm xã hội. Về phần mình, ngoài những giải pháp đã thực thi, ngành Bảo hiểm xã hội Thủ đô chủ động rà soát chủ sử dụng lao động của các đơn vị ngừng giao dịch, giải thể, phá sản, mất tích còn chậm đóng bảo hiểm xã hội, nay thành lập doanh nghiệp mới. Căn cứ vào kết quả rà soát báo cáo trước ngày 27-11-2023, ngành Bảo hiểm xã hội có phương án xử lý phù hợp với từng đơn vị cụ thể.

“Bằng những giải pháp vừa cứng rắn, vừa mềm dẻo, linh hoạt, Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị khắc phục hơn 330 tỷ đồng số tiền chậm đóng trong 10 tháng năm 2023, đạt gần 76% kế hoạch. Ngoài ra, các cơ quan chức năng yêu cầu người sử dụng lao động đóng và truy đóng cho gần 1.000 người lao động với số tiền gần 12 tỷ đồng do chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian, thiếu số tiền quy định…”, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Phan Văn Mến thông tin.