Đi qua những giải thưởng
“Ngỗng trời kêu xa xứ” (NXB Hội nhà văn, 2023) là tập thơ thứ 13 của nhà thơ Vũ Quần Phương. Nhìn vào sự nghiệp sáng tác của Vũ Quần Phương, duy nhất có một tập văn “Cưỡi ngựa máy xem Hoa Kỳ”, có thể thấy ông chỉ dành tâm huyết cho thơ, đến tuổi bát thập ông vẫn chưa ngưng nghỉ viết.
Thơ Vũ Quần Phương khiến người ta đọc xong, gấp sách, vẫn phải nghĩ ngợi rồi mở ra đọc lại, xem cách chuyển tải đến người đọc những “tia chớp” từ thế giới của nội tâm, cách nhìn thế sự, đến phác họa chân dung bạn văn bằng thơ; cả những con đường Hà Nội, phố cũ, những nơi có dấu giày ông đi qua. Đọc thơ ông, thấy rõ sự lao động câu chữ rất kỹ lưỡng, chọn lựa ý tứ, nhất là cách kết nối, tung hứng mạch cảm và nghĩ theo hình ảnh hoặc ngôn ngữ.
Tập thơ “Ngỗng trời kêu xa xứ” có góc nhìn đa chiều về đời sống, những chiêm nghiệm, thấy rõ sự đọc rộng, đi nhiều và đúc kết lại bằng thơ. Mà chẳng phải đợi khi đi, ngay khi đứng trong cái thang máy chung cư, ông cũng nhìn ra “xuống lên cũng chỉ trong ô ấy" và nhiều khía cạnh lý thú của cái "thang mà không bậc", của cái nơi người ta nhìn nhau mà không thấy nhau. Đây là cách tìm thơ ở nơi ngỡ không thơ. Dường như tác giả có để tâm tìm cái ý vị của đời thường mà lâu nay những người viết quen đụng bút theo đề tài sự kiện dễ bỏ qua.
Vũ Quần Phương có phát hiện sắc sảo khi nhìn “Dãy tượng đá trước lăng vua Khải Định” bền bỉ khom lưng “đứng lâu thành đá”, rồi đưa ra câu kết bình dị: “Đứng cạnh các ngài, tôi vững gót làm dân” đủ để nặng và bền hơn cả chính đá tượng bên lăng. Bài “Phật về đâu?” dựng lên hình ảnh chùa lớn chùa nhỏ, tượng lớn tượng bé nhưng khắp chùa tụng kinh bằng máy Sony, đến nỗi “Chuông Thiền nghe lạnh ngắt/ người Thiền ngồi ngây ngô”. Ông ngẫm ngợi trong bài “Ghi bên lề trang đọc” rằng con người phát minh ra cái ống nghiệm, để rồi “bây giờ thì ống nghiệm/ lại đẻ ra con người/ rồi những ông chúa trời/ lại chui vào ống nghiệm”...
Song, “Ngỗng trời kêu xa xứ” không chỉ đặt ra câu hỏi bức thiết về xã hội và gióng lên những tiếng chuông cảnh báo về văn hóa, nhân sinh, mà Vũ Quần Phương còn viết về chân dung một số nhà thơ bằng thơ. Đây là tiếp tục việc ông đã làm từ tập “Vết thời gian” năm 1996. Ông “vẽ” chân dung Hữu Thỉnh với tập “Thương lượng với thời gian” nổi tiếng: “Thương lượng với tàu cau/ ngả bóng xuống cơi trầu vắng mẹ/ thương lượng với cơn đùa im bặt giữa chừng câu”. Ông "ký họa" Nguyễn Quang Thiều: “Anh vẽ lòng anh không địa chỉ/ Tiếng gà xóm núi ngọn đèn tê”, “Màu nét đi đò qua bến thực/ Anh vẽ lòng anh trong xứ mơ”. Với Trần Đăng Khoa, ông viết: “Vầng trăng từ xa vợi/ Soi tỏ tâm hồn Khoa/ Đêm ấy em bước qua/ Vầng trăng như ngưỡng cửa”...
Trong tập thơ còn có một bài ông viết dành tặng một người không phải nhà thơ nổi tiếng - đó là con dâu ông: “Bố mẹ trao con trọn tài sản của cuộc đời bố mẹ/ Đứa con trai, lòng mẹ nâng niu/ Ước vọng bố những đêm thầm lặng lẽ”. Những câu thơ bình dị, đời thường nhưng lại khiến độc giả nghẹn ngào ấm áp trước người con dâu hiếu thảo: “Bố mẹ chẳng sinh con, nhưng con thành giọt máu/ nuôi trái tim của bố mẹ bây giờ”.
Thơ hay, ở sự bình dị và thường tình. Đọc sự thường tình mà xúc động muốn khóc. Như bài “Dấu bàn chân Phật” là ám ảnh về mẹ: “Chân người xưa gánh cực/ in khắp đường thế gian/ Tôi nhìn bàn chân Phật/ mà thương mẹ vô vàn/ Mẹ đã vào tịch mịch/ dấu chân còn lầm than”.
Hồ dễ nhà thơ Vũ Quần Phương được hưởng phúc ấm của gia đình, và hạnh phúc lớn nhất của người viết là chuyển tải đến bạn đọc tình yêu thương, sự cao cả, sự độ lượng với nhân gian, nhân gian độ lượng với chính mình. Trong tập thơ này Vũ Quần Phương đã không ghi những giải thưởng văn học, tôi thiển nghĩ: Giải thưởng lớn nhất với ông là những câu thơ nằm lòng, ghi dấu trong tim bạn đọc.