Làm dịu “dòng xoáy” khen, chê cực đoan: Chờ những tiếng nói công tâm!
Có phim đã giành quá nhiều giải thưởng, có phim vẫn đang nắm kỷ lục doanh thu, có phim lại ở giữa “dòng xoáy” dư luận khen, chê... Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXIII tuy không có nhiều “ẩn số” nhưng lại có những phim nằm ở các “vùng cực” trong phê bình hiện nay.
Chính vì vậy, ngoài việc chờ đợi kết quả, người yêu điện ảnh còn rất mong được tiếp nhận những đánh giá sâu sắc, công tâm về chuyên môn.
Phê bình: Sao cho văn minh
Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXIII đang diễn ra sôi nổi tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng (từ ngày 21 đến ngày 25-11), thu hút sự quan tâm của đông đảo người yêu điện ảnh. Đặc biệt ở mảng phim truyện, những ứng cử viên “nặng ký” lại được dự đoán cho giải Bông sen vàng.
Liên hoan phim năm nay tuy không có nhiều “ẩn số” nhưng lại có những ứng viên nằm ở các “vùng cực” khác nhau. Phim “Tro tàn rực rỡ” có một bản kê thành tích đáng nể cả trong nước và quốc tế, đã thuyết phục được hầu hết giới chuyên môn nước nhà với giải Cánh diều vàng 2023 hồi tháng 9 vừa qua nhưng thành tích phòng vé lại khá khiêm tốn.
Phim “Nhà bà Nữ” khiến công chúng lao đến rạp, đem về doanh thu kỷ lục hơn 500 tỷ đồng, rất được lòng cộng đồng mạng nhưng lại nhận không ít tiếng chê từ giới phê bình... Đáng nói nhất là sự có mặt của bộ phim “Đất rừng phương Nam” - bộ phim đã “gây bão dư luận” trong thời gian qua. Phim không chỉ nhận được ý kiến trái chiều giữa các nhà phê bình điện ảnh với người xem thông thường - như vẫn thấy, mà còn “gây chia rẽ” sâu sắc giữa chính các cây bút phê bình điện ảnh.
Thậm chí, để tạo thêm “sức nặng” cho những lập luận của mình, có người còn không ngần ngại “phê” cả tính cách, ngoại hình, lẫn bằng cấp học thuật của những cây viết khác! Phê bình phim một cách cực đoan chỉ dựa trên cảm tính, “bút chiến” cả những vấn đề nằm ngoài phim là một hành xử không phù hợp với bản chất hoạt động này...
Những tranh cãi xung quanh phim “Đất rừng phương Nam” còn làm nóng nghị trường Quốc hội. Trong đó, ý kiến của đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, nhận được nhiều sự đồng thuận. Ông cho rằng: Cần phải có cách nhìn công bằng, ủng hộ với các sản phẩm văn hóa nghệ thuật để động viên tinh thần, khuyến khích sự sáng tạo, khai thác yếu tố lịch sử trong làm phim.
Khen, chê có trách nhiệm
Bên cạnh hiện tượng “phê bình bẩn” - khen, chê phim bằng mọi giá để đạt được mục đích, lợi ích cá nhân của các nhóm trên mạng xã hội - như Hànộimới Cuối tuần từng phản ánh gần đây, thì hiện nay còn có hiện tượng né tránh trong phê bình phim. Nhiều nhà phê bình chia sẻ họ cũng có tâm lý ngại va chạm, sợ bị vạ lây trên mạng xã hội nên thường tránh những vấn đề đang gây tranh cãi.
Là một nhà phê bình điện ảnh kỳ cựu, Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh từng thừa nhận, lý luận, phê bình văn học nghệ thuật lâu nay vẫn bị xem là yếu, trong đó có lý luận, phê bình điện ảnh. Theo bà, trong gần hai chục năm trở lại đây, dường như thị trường điện ảnh càng lên thì lý luận, phê bình càng đi xuống!
Mới đây, trong buổi ra mắt tập tiểu luận phê bình điện ảnh “Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập” của Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương - cũng nhấn mạnh: Ở thời đại văn minh, khen chê là chuyện bình thường, nhưng phê bình điện ảnh cần khen đúng, chê đúng và chê có trách nhiệm.
Quay trở lại câu chuyện phim tham dự Liên hoan, trước những dư luận trái chiều có thể dẫn đến tranh cãi về kết quả giải Bông sen, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông khẳng định: “Mỗi tác phẩm đều có những cách nhìn, đánh giá khác nhau. Ban giám khảo sẽ quyết định kết quả dự thi, còn những phản ứng, ý kiến của khán giả sẽ thể hiện ở giải thưởng Phim được yêu thích nhất do khán giả bình chọn”. Đây là cách làm hợp lý, “chiều lòng” được nhiều đối tượng song lại chưa thể giải đáp hết những thắc mắc của công chúng. Trước nay, ở một số giải thưởng điện ảnh, chúng ta thấy kết quả cuối cùng có thể vẫn gây tranh cãi. Vì vậy, khán giả rất chờ đợi những bài viết phê bình “nặng ký” của chính những thành viên Ban giám khảo sau mỗi cuộc thi để có thể hiểu sâu sắc hơn về bộ phim đoạt giải, điều mà ở những liên hoan phim trước đây gần như không có!
Rõ ràng, khen chê một tác phẩm là quyền của mỗi người xem nhưng dư luận nói chung vẫn trông chờ vào sự phân tích công tâm của giới chuyên môn để làm giàu thêm kiến thức của mình, từ đó có thể có những cách ứng xử đúng, khen chê đúng trước mỗi tác phẩm điện ảnh, nhất là trong bối cảnh có quá nhiều dư luận trái chiều. Còn người làm phim cũng có thể nhận được sự động viên hay góp ý đúng đắn để tiếp tục theo đuổi con đường đầy chông gai này.
Hy vọng sau Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXIII, những “dòng xoáy” phê bình cực đoan sẽ được làm dịu lại nhờ tinh thần “khen chê có trách nhiệm” của những giám khảo công tâm trên một tinh thần chung vì sự phát triển của điện ảnh Việt Nam.