Cần cơ chế đặc biệt để triển khai các chương trình, dự án của Thủ đô
Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Vũ Xuân Hùng thảo luận tổ tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV đã đề nghị cần quy định rõ thẩm quyền của thành phố Hà Nội trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để bảo đảm tính khả thi trong tổ chức thực hiện triển khai các chương trình, dự án từ nguồn ngân sách chi thường xuyên của thành phố.
Trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), ông Vũ Xuân Hùng quan tâm đến quy định sử dụng nguồn lực tài chính, ngân sách cho sự phát triển của Thủ đô, trong đó có quy định phân cấp một số thẩm quyền về đầu tư từ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công cho HĐND, UBND thành phố Hà Nội.
Vấn đề này, ông Vũ Xuân Hùng cho rằng, giữa Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước còn vướng mắc, chồng chéo khi sử dụng nguồn chi thường xuyên nhưng có tính chất đầu tư thì phải thực hiện theo Luật Đầu tư công, tức là phải nằm trong kế hoạch trung hạn, có trong kế hoạch hằng năm thì mới thực hiện được.
Ông Vũ Xuân Hùng đặt ra vấn đề, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) giao cho HĐND, UBND thành phố Hà Nội quyết định việc sử dụng nguồn chi thường xuyên của ngân sách thành phố cho các dự án xây mới hoặc sửa chữa các công trình thì có phải tuân theo Luật Đầu tư công hay không?
“Tôi đề nghị cần quy định HĐND, UBND thành phố được phép quyết định sử dụng nguồn ngân sách chi thường xuyên cho các chương trình, các dự án mà không phải thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công thì mới khả thi, tháo gỡ được vướng mắc”, ông Vũ Xuân Hùng nói và khẳng định, quy định rõ như vậy sẽ dễ dàng cho thành phố trong tổ chức thực hiện triển khai các chương trình, dự án từ nguồn ngân sách chi thường xuyên.
“Thủ đô rất đặc biệt và áp dụng cơ chế đặc biệt cho Thủ đô là đúng đắn. Dự thảo Luật đã quy định trường hợp quy định khác giữa Luật Thủ đô với luật, nghị quyết của Quốc hội thì áp dụng theo Luật Thủ đô”, ông Hùng nói.
Về việc huy động các nguồn lực tài chính, ngân sách cho sự phát triển của Thủ đô, ông Vũ Xuân Hùng đề nghị cần quy định rõ hơn. Trong đó, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đồng tình với quy định ngân sách thành phố giữ lại tối đa các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố để tạo nguồn lực đầu tư các công trình, dự án trọng điểm, dự án PPP, giao thông công cộng, hỗ trợ di dời cơ sở, đơn vị thuộc danh mục phải di dời. “Có như thế, thành phố mới có điều kiện để đầu tư các hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng văn hóa xã hội và rất nhiều nội dung cần phải đầu tư”, ông Vũ Xuân Hùng nói.
Ông Vũ Xuân Hùng cũng cho rằng, “giữ lại tối đa” là bao nhiêu cũng phải được lượng hóa trong dự thảo Luật. “Nói là tối đa nhưng không biết tối đa là bao nhiêu thì rất khó, cần quy định được giữ lại tối đa là bao nhiêu phần trăm nguồn thu từ tiền sử dụng đất, nguồn thu từ tiền thuê đất để cho thành phố đầu tư lại hạ tầng”.