Công nghiệp văn hóa

Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô

Mai Hữu 26/11/2023 - 12:33

Thảo luận tổ trong khuôn khổ kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Thị Sửu cho rằng, với tiềm năng thế mạnh sẵn có, việc xây dựng những cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô là hết sức cần thiết.

nguyenthisuu.jpeg
Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Thị Sửu.

Theo bà Nguyễn Thị Sửu, văn hóa là một trong 9 nhóm chính sách đã được xây dựng đưa vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Trong đó, quy định về bảo tồn di sản hỗ trợ cho văn hóa, phát triển không gian sáng tạo, trung tâm văn hóa là điểm mới, thể chế hóa Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về việc ưu tiên phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch của Thủ đô thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là du lịch văn hóa.

”Tôi tán thành nhóm chính sách này và đề nghị cụ thể hóa các mục tiêu về thành phố sáng tạo trong dự thảo Luật, qua đó thực hiện thành công thành phố sáng tạo đối với Thủ đô”, bà Sửu nói.

Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nhận định, công nghiệp văn hóa Thủ đô đã có bước phát triển nhất định với những đóng góp cụ thể. Thông qua báo cáo thống kê năm 2018, đóng góp từ công nghiệp văn hóa của Thủ đô đạt 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm trên địa bàn Hà Nội (chiếm 3,7% GRDP của thành phố); ước là đến năm 2025 sẽ tăng lên 5%, năm 2030 tăng lên 8% và năm 2045 là 10%. Từ đó có thể cho thấy, tỷ trọng công nghiệp văn hóa rất có giá trị và là một trong những điểm nhấn trong kinh tế Thủ đô. Do đó, việc xây dựng cơ chế, chính sách liên quan để phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô là hết sức cần thiết.

Tuy nhiên, bà Sửu cho rằng, trong dự thảo Luật, quy định về trung tâm công nghiệp văn hóa đã được đề cập nhưng chưa rõ về quy mô, số lượng cũng như đầu tư phát triển về hạ tầng cho trung tâm công nghiệp văn hóa của Thủ đô.

Theo bà Sửu, một Thủ đô nghìn năm văn hiến, đương nhiên văn hóa sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn để thúc đẩy phát triển đời sống vật chất và tinh thần. Từ đó, nội dung trung tâm công nghiệp văn hóa trong dự thảo Luật cần được quan tâm hơn, không chỉ tạo điều kiện về chính sách đất đai, ưu đãi để các nhà đầu tư lớn, đặc biệt là đầu tư từ nguồn vốn tư nhân đồng hành với nguồn vốn của Nhà nước phát triển toàn diện về trung tâm công nghiệp văn hóa mà còn có chính sách để bảo tồn, phát huy giá trị di tích.

“Riêng Hà Nội, số lượng di tích đứng đầu cả nước. Qua báo cáo thống kê của UBND thành phố Hà Nội, trên địa bàn có gần 6.000 di tích. Vậy chính sách cũng như cơ chế quản lý, đầu tư phát triển di tích cũng cần được phân tầng, phân chia lộ trình để thu hút nguồn lực”, bà Nguyễn Thị Sửu nói.

Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cũng đồng tình về phương pháp thử nghiệm mô hình khu phát triển thương mại văn hóa, hay còn gọi là khu thúc đẩy thương mại văn hóa trong dự thảo Luật. Mô hình này được thử nghiệm có kiểm soát tại Hà Nội sẽ tạo cơ sở pháp lý về đầu tư xây dựng, quản lý một cách hiệu quả các khu phố nghề, phố hàng, qua đó gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của Thủ đô.