Kiến nghị cho phép Hà Nội tăng biên chế từ nguồn dự phòng
Theo chương trình kỳ họp thứ sáu, sáng 27-11, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Thảo luận tại tổ trước đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà đồng tình về việc tăng biên chế, tăng thêm thẩm quyền cho HĐND thành phố.
Ủng hộ việc cho phép tăng biên chế từ nguồn dự phòng
Về HĐND thành phố Hà Nội (Điều 9), Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định: Trên tổng số biên chế cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền giao, thành phố Hà Nội được tăng thêm biên chế từ nguồn biên chế dự phòng căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc, mức độ hiện đại hóa trang thiết bị, phương tiện làm việc, đặc điểm an ninh, chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn và khả năng cân đối ngân sách của thành phố để bảo đảm các chi phí cho biên chế tăng thêm. HĐND thành phố Hà Nội đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định cụ thể về số lượng biên chế tăng thêm.
Về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà (Đoàn Hòa Bình) bày tỏ sự nhất trí với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về quản lý biên chế, trong đó cho phép tăng biên chế từ nguồn dự phòng tại Điều 9. Tuy nhiên, Ban soạn thảo xem xét lại các nội dung này để làm sao tăng quyền chủ động cho HĐND thành phố Hà Nội mà không ảnh hưởng quá nhiều đến các cơ quan, địa phương khác. Ví dụ, những người đang hoạt động xã hội của Mặt trận Tổ quốc tự động được chuyển thành công chức, viên chức theo cơ chế đặc thù, trong khi thực tế này ở địa phương nào cũng có, nên cần xem xét lại quy định này sao cho phù hợp.
Về tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công, Điều 37 của Dự thảo Luật nêu rõ: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền của thành phố Hà Nội khi quyết định chủ trương đầu tư dự án tổng thể có quy mô dự án nhóm B, nhóm C theo quy định của pháp luật về đầu tư công, có quyền quyết định tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tổng thể; quyết định mục tiêu, quy mô, tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, địa điểm đầu tư của dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng tại quyết định chủ trương đầu tư dự án tổng thể.
Về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà cho rằng, cần làm rõ cấp nào có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư thì được thực hiện những nội dung này, đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo rà soát và làm rõ những nội dung “đặc thù” khác với những quy định hiện nay để bảo đảm tính khả thi sau khi Luật có hiệu lực thi hành.
Quan tâm đến các chính sách an sinh xã hội
Bày tỏ sự đồng tình phải sửa Luật Thủ đô cho phù hợp với thực tiễn phát triển hiện nay, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương (Đoàn Sơn La) cho biết, thời gian qua, chúng ta cũng ban hành nhiều cơ chế đặc thù cho một số địa phương. Do đó, việc sửa đổi Luật Thủ đô là rất cần thiết, nhằm tạo cơ chế, chính sách để phát huy được thế mạnh của Hà Nội.
Quan tâm đến các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, đại biểu Quàng Văn Hương cho rằng, hiện nay “quy định còn chưa theo kịp” thực tiễn. Do đó, cần tiếp tục rà soát và có những chính sách cụ thể hơn để có một Thủ đô phát triển toàn diện và theo tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, “tránh các đối tượng không được quan tâm đúng mức và tạo ra khoảng cách”.
Hiện nay, dân số của thành phố Hà Nội hơn 8,4 triệu dân thì có khoảng 108.000 đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung ở 5 huyện, chiếm 1,3% tổng dân số của Thủ đô. Tuy vậy, theo đại biểu Hương, quy định về chính sách đối với đồng bào dân tộc và hu hút phát triển vùng đồng bào dân tộc trong dự thảo Luật vẫn còn mờ nhạt, cần được rà soát và quy định cụ thể hơn.