Chính trị

Đề xuất nâng số lượng đại biểu HĐND thành phố trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Bảo Hân lược ghi 25/11/2023 - 17:00

Tại khoản 2, Điều 9 về số lượng đại biểu HĐND thành phố, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định “Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội được bầu 125 đại biểu, trong đó có ít nhất 25% số đại biểu hoạt động chuyên trách”. Đại biểu Quốc hội, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An đề nghị nâng lên 150 đại biểu và tỷ lệ 30% chuyên trách.

Phát biểu tại thảo luận tổ về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Trịnh Xuân An cho rằng một số nội dung về giáo dục, quy hoạch, phát triển đô thị theo mô hình TOD… còn chưa cụ thể. Trong khi đó, đây đều là những vấn đề quan trọng đối với phát triển Thủ đô.

db-trinh-xuan-an.jpeg
Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai), Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội phát biểu.

Góp ý kiến vào những vấn đề cụ thể, tại khoản 2, Điều 9 về số lượng đại biểu HĐND thành phố, dự thảo Luật quy định “Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội được bầu 125 đại biểu, trong đó có ít nhất 25% số đại biểu hoạt động chuyên trách”, đại biểu đề nghị nâng lên 150 đại biểu và tỷ lệ 30% chuyên trách.

Vai trò của HĐND thành phố rất quan trọng. Khối lượng công việc Hà Nội đang thực hiện rất lớn, đặc biệt sắp tới có hàng loạt các chính sách, mô hình mới, thêm các “thành phố trong thành phố”. Giao thêm việc cho Thường trực HĐND thành phố thì phải có thêm người để cơ quan dân cử thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quyền lực nhà nước địa phương - đại biểu Quốc hội Đoàn Đồng Nai lý giải.

Cũng theo đại biểu, Điều 19 của dự thảo quy định về quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô, là nội dung rất quan trọng. Tại khoản 2 nêu “tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống”, là nội dung còn chung chung. Các đại biểu Quốc hội, người dân địa phương, nhất là các địa phương khác đang hết sức trông ngóng thành phố thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống ra sao. Do đó, nội dung này cần quy định cụ thể hơn.

Tương tự như vậy, liên quan đến phát triển giáo dục và đào tạo, theo đại biểu, các quy định tại Điều 24 dự thảo Luật mang tính nguyên tắc, thiếu các chỉ tiêu phát triển cụ thể về trường lớp, sĩ số học sinh. Trong khi đó, thực trạng thiếu trường, thiếu lớp, sĩ số học sinh đông đang là một trong những vấn đề thời sự của Hà Nội.

Tại Điều 39 về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), giống mô hình đang triển khai tại thành phố Hồ Chí Minh, là mô hình rất mới, có sự kết hợp đầu mối giao thông với phát triển đô thị, liên quan cả quy hoạch, đất đai, chế độ tài chính, đặc biệt là quy hoạch phân bố dân cư, nên cần đánh giá hết sức kỹ lưỡng. Nội dung quy định tại điều này cần hết sức cụ thể.

Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát được quy định tại Điều 41 cho phép Hà Nội được thí điểm rất nhiều nội dung… Về phạm vi lĩnh vực áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, dự thảo Luật đã nêu danh mục cụ thể, nhưng phần kiểm soát được thiết kế tại khoản 6 điều này cần chi tiết hơn để bảo đảm tính khả thi.