Bảo đảm thống nhất, đồng bộ Luật Thủ đô (sửa đổi) và các quy hoạch
Theo Bộ Tư pháp, việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần kết nối chặt chẽ. Quá trình triển khai cần đồng bộ, thống nhất, cùng nguồn lực đầu tư tương xứng.
Trong tham luận gửi tới Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” do thành phố Hà Nội phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức ngày 21-11, Bộ Tư pháp đã có nhiều phân tích về quá trình thi hành Luật Thủ đô năm 2012 với thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô cũng như xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) gắn với yêu cầu lập và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội giai đoạn hiện nay.
Quy hoạch chung xây dựng làm định hướng
Theo Bộ Tư pháp, cùng với Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Thủ đô năm 2012 đã thiết lập cơ sở pháp lý nhằm bảo đảm tính thống nhất của các loại quy hoạch trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, trong đó lấy Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1259/QĐ-UBND ngày 26-7-2011) làm trung tâm, định hướng phát triển Thủ đô.
Việc thực hiện các chính sách đặc thù theo quy định của Luật Thủ đô năm 2012 bước đầu giúp Hà Nội thiết lập đồng bộ các công cụ pháp lý cho việc xây dựng, quản lý quy hoạch nhằm thực hiện thống nhất theo Quy hoạch chung Thủ đô.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 383/TTg-CN ngày 26-3-2021 giao nhiệm vụ cho UBND thành phố Hà Nội thực hiện rà soát, đánh giá, lập nhiệm vụ và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, thành phố đã giao Viện Quy hoạch xây dựng lập Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô.
Đến nay, Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã hoàn thành, tiếp tục là căn cứ khoa học và công cụ pháp lý quan trọng để quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, quản lý đầu tư xây dựng và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển. Đồng thời, đây là cơ sở để quản lý quy hoạch, xây dựng chính sách phát triển Thủ đô Hà Nội và triển khai tiếp công tác đầu tư xây dựng theo quy hoạch; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu thống nhất về quy hoạch xây dựng, đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý phát triển của thành phố, vùng và quốc gia.
Bảo đảm tính tổng thể, thống nhất
Đồng thời với việc điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, Hà Nội đã hoàn thiện dự thảo Báo cáo tổng hợp Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch được lập trên tinh thần thể hiện rõ quan điểm đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ giữa các ngành trên địa bàn; đồng bộ với Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô; tận dụng tối đa lợi thế phát triển từ các dự án hạ tầng động lực về giao thông, du lịch, dịch vụ đã có và đang nghiên cứu đầu tư.
Theo Bộ Tư pháp, để việc nghiên cứu, xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đồng bộ, hiệu quả với xây dựng, thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, dự thảo Luật phải đáp ứng được yêu cầu xây dựng và phát triển Thủ đô đã được đề ra tại các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là phải tạo được cơ chế đặc thù để xây dựng Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Quá trình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô cần bảo đảm sự thống nhất. Trong đó, các quy định của Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ là cơ sở pháp lý để xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô; thể chế hóa các nội dung của quy hoạch thành các quy định pháp luật.
Mặt khác, với vị thế là Thủ đô - đô thị đặc biệt, khi xây dựng Quy hoạch Thủ đô phải đặt trong tổng thể mối quan hệ với Quy hoạch chung Thủ đô, Luật Thủ đô và các luật khác có liên quan, như Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị.
Theo đó, dự thảo Luật tập trung đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền thành phố Hà Nội, xây dựng các cơ chế đặc thù, vượt trội trên nhiều lĩnh vực, trong đó có công tác quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch nhằm thực hiện chủ trương: “Tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên bờ sông Hồng và sông Đuống, quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng” mà Nghị quyết số 15-NQ/TW đã nêu.
Sau khi được thông qua, quá trình thi hành Luật cũng như các quy hoạch nêu trên cần được tiến hành đồng bộ, thống nhất, không thể tách rời, đầu tư nguồn lực tương xứng để bảo đảm thực hiện hiệu quả.