Đẩy mạnh kết nối, thúc đẩy xuất khẩu nông sản
Thời gian qua, nhờ phát triển các vùng nông sản chuyên canh sản xuất theo quy trình bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, Hà Nội không chỉ có nguồn thực phẩm sạch cung cấp cho người tiêu dùng, mà còn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Cùng với đó, Hà Nội đã tăng cường kết nối với các tỉnh, thành phố bạn để có nguồn nguyên liệu ổn định cho các doanh nghiệp.
Nhiều nông sản có tiềm năng
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu cũng như mở rộng đầu ra cho nông đặc sản địa phương, Hà Nội đang đẩy mạnh xây dựng các vùng trồng đạt tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm gắn liền với vùng chuyên canh có mã số vùng trồng, truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ. Thành phố cũng quan tâm hình thành vùng nông nghiệp hàng hóa an toàn gắn với mã số vùng trồng, đồng thời chú trọng xây dựng chuỗi liên kết, thương hiệu cho mặt hàng nông sản chủ lực, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu.
Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh cho biết, toàn xã Văn Đức có 220ha rau an toàn, trong đó có 26,9ha sản xuất theo quy trình VietGAP. Hiện tại, ngoài cung cấp cho các siêu thị, chợ đầu mối, các tỉnh lân cận, mỗi năm hợp tác xã còn duy trì xuất khẩu từ 300 đến 500 tấn rau an toàn sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc...
Đánh giá về tiềm năng xuất khẩu nông sản của Hà Nội, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT Hà Nội) Hà Tiến Nghi cho hay, trên địa bàn thành phố hiện có 13.474 cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Trong đó có hơn 1.700 cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản, với hơn 250 doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản. Sản phẩm nông sản được chế biến sâu, chủng loại phong phú, đa dạng. Thành phố cũng đã được cấp 16 mã số vùng trồng cây ăn quả và có 4 cơ sở đóng gói với công suất 30-50 tấn/ngày/cơ sở để phục vụ xuất khẩu. Trong 16 mã vùng trồng có 8 mã số cấp cho vùng trồng chuối và 8 mã số cấp cho vùng trồng nhãn.
Đến nay, thành phố đã tổ chức đánh giá, xếp hạng đối với 1.649 sản phẩm đạt OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), trong đó có 1.071 sản phẩm thực phẩm. Một số sản phẩm nông sản Hà Nội có chất lượng cao và đã xuất khẩu đi các nước, như: Nhãn muộn Đại Thành - Quốc Oai xuất khẩu đi Mỹ; gạo hữu cơ Đồng Phú xuất khẩu đi Đức; rau Văn Đức xuất khẩu đi Hàn Quốc... Nhờ đó, trong 9 tháng năm 2023 xuất khẩu nông, lâm sản của Hà Nội đạt 1,345 tỷ USD, trong đó hàng nông sản, thực phẩm đạt 777 triệu USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước.
“Hà Nội đang phối hợp với 43 tỉnh, thành phố duy trì và hỗ trợ phát triển 926 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho thành phố, trong đó đã có nhiều chuỗi sản xuất tại các tỉnh, thành được kết nối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Hà Nội”, ông Hà Tiến Nghi thông tin thêm.
Nâng cao chất lượng sản phẩm
Bên cạnh những mặt thuận lợi, hiện hoạt động xuất khẩu nông sản của Hà Nội cũng còn gặp không ít khó khăn do thiếu các doanh nghiệp lớn có năng lực, kinh nghiệm đầu tư vào vùng sản xuất, chế biến nông sản trên địa bàn thành phố. Việc tiếp cận đất đai, vốn để tổ chức sản xuất lớn gặp khó. Cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp chưa đủ hấp dẫn để thu hút được các doanh nghiệp đầu tư, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản, giết mổ gia súc, gia cầm, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chưa có nhiều vùng sản xuất bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… và phát triển chuỗi còn thiếu tính bền vững. Các doanh nghiệp xuất khẩu của Hà Nội vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các vùng nguyên liệu đạt chuẩn quốc tế, đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường khó tính, như tiêu chuẩn hữu cơ, GlobalGAP, HACCP, ISO 22000...
Để tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh xuất khẩu, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp và tư vấn môi trường Trần Văn Hiếu cho rằng, Hà Nội và các tỉnh, thành phố cần tổ chức sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, khuyến khích doanh nghiệp và người dân liên kết với nhau; đầu tư ứng dụng công nghệ cao để tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, Hà Nội sẽ tiếp tục mở các lớp tập huấn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản nắm vững các quy định về bảo đảm chất lượng, kiểm soát thực phẩm xuất, nhập khẩu. Thành phố cũng đẩy mạnh tuyên truyền về các hiệp định thương mại, các điều kiện nhập khẩu của các nước để tăng năng lực sản xuất cũng như chất lượng nông sản. Cùng với đó, tăng cường các hoạt động kết nối xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu, tổ chức các đoàn học tập, trao đổi, giới thiệu, quảng bá sản phẩm chủ lực của Hà Nội, các tỉnh, thành phố, sản phẩm OCOP tại nước ngoài.
“Để nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, thành phố Hà Nội đã kiến nghị Bộ NN&PTNT xây dựng chiến lược, định hướng cho các ngành, địa phương và doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng. Thành phố cũng phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhất là lĩnh vực quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, kết nối tiêu thụ nông sản. Hà Nội cũng quan tâm đến việc giới thiệu các doanh nghiệp lớn, có năng lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, giết mổ, chế biến, xây dựng chợ đầu mối nông sản… trên địa bàn thành phố”, ông Tạ Văn Tường thông tin.