Phát triển chuỗi sản xuất rau an toàn ở Thanh Trì
Để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân, thời gian qua, huyện Thanh Trì tiếp tục duy trì và phát triển liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn.
Theo Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát (huyện Thanh Trì) Lưu Ngọc Nam, để bảo đảm nguồn rau an toàn cung cấp ổn định cho các siêu thị, cửa hàng tiện ích, bếp ăn tập thể, hợp tác xã đã liên kết với 120 hộ nông dân ở xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) canh tác hơn 20ha rau sạch. Ngoài ra, hợp tác xã còn ký kết bao tiêu toàn bộ rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP ở các xã: Yên Mỹ, Duyên Hà, Vạn Phúc...
Bà Ngô Thị Như, ở thôn 2, xã Yên Mỹ chia sẻ, gia đình bà có 1,6 mẫu trồng rau, mỗi vụ cung cấp cho Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát từ 3 đến 7 tấn rau, màu các loại; còn lại khoảng 50% bán ở các chợ đầu mối.
Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ thương mại tổng hợp Đại Lan (xã Duyên Hà) Đặng Bá Thắng, cả xã có 54,7ha sản xuất rau an toàn. Trong đó, diện tích được cấp chứng nhận VietGAP là 20ha. Sản lượng rau của hợp tác xã đạt 3.000 tấn/năm. Thực hiện liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, hợp tác xã đã bao tiêu một phần sản phẩm rau cho nông dân, bán cho các cửa hàng, siêu thị...
Nói về hiệu quả của chuỗi sản xuất và tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn huyện, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh thông tin, toàn huyện có 140ha trồng rau an toàn; trong đó có 106ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Huyện duy trì mô hình nhóm hộ liên kết chuỗi với 151 hộ tham gia cùng với các doanh nghiệp. Các hộ sản xuất ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát, Công ty Davicorp, Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ thương mại tổng hợp Đại Lan, Công ty Thắng Loan..., với tổng diện tích 37ha. Giá thu mua luôn ổn định và cao hơn giá thị trường khoảng 10-15%.
“Cùng với việc duy trì vùng sản xuất rau an toàn, huyện hỗ trợ kinh phí mua phân hữu cơ cho các hộ nông dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm rau an toàn, bảo đảm nguồn cung rau sạch cho thị trường. Để đẩy mạnh đầu ra cho sản phẩm, huyện đã xây dựng và đưa vào hoạt động ổn định 3 điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm có truy xuất nguồn gốc tại thị trấn Văn Điển, xã Tứ Hiệp và xã Tân Triều. Đến nay, hơn 80% bếp ăn tập thể trên địa bàn huyện sử dụng rau an toàn của xã Duyên Hà và xã Yên Mỹ, nâng sản lượng rau tiêu thụ qua các công ty, doanh nghiệp lên 60%”, bà Nguyễn Thị Tuyết Anh cho hay.
Để phát huy hiệu quả của các chuỗi rau an toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục củng cố, nâng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo đó, huyện sẽ hỗ trợ cho hợp tác xã, người dân về kinh phí thực hiện các mô hình ứng dụng công nghệ cao, cùng với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát quy trình sản xuất rau an toàn của người dân, bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật; từng bước nâng cao năng lực hoạt động của các hợp tác xã để trở thành cầu nối tiêu thụ sản phẩm theo hướng liên kết chuỗi giữa người sản xuất với doanh nghiệp thu mua rau tập trung tại đầu bờ. Huyện cũng khuyến khích nông dân trồng đa dạng các chủng loại rau, sử dụng giống rau thế hệ mới, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thuận lợi trong quá trình tiêu thụ và củng cố sức cạnh tranh của sản phẩm rau an toàn Thanh Trì trên thị trường.