Chính trị

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có rất nhiều điểm tiến bộ

Mai Hữu 24/11/2023 - 16:58

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Nguyễn Minh Đức (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh), dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có rất nhiều điểm tiến bộ, xuất phát từ mong muốn Thủ đô phát triển với những kỳ vọng rất lớn.

nguyenminhduc.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Nguyễn Minh Đức (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh).

Góp ý cho dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV, đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng, dự thảo Luật phải được rà soát và đánh giá đầy đủ 9 nội dung trong Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, bảo đảm tổ chức chính quyền thành phố Hà Nội theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

“Chúng ta thấy rằng, gắn với công cuộc chuyển đổi số thì những con người đó, ngoài những năng lực về phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực về quản lý nhà nước, quản lý kinh tế ở tầm vĩ mô, vi mô, thì ở phương diện của Thủ đô còn phải có những yêu cầu riêng về ngoại ngữ, trình độ công nghệ thông tin..., có như vậy mới đáp ứng yêu cầu về tinh gọn”, đại biểu Nguyễn Minh Đức nói.

Về cơ chế thu hút, sử dụng nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô, đại biểu cho rằng, có rất nhiều nhân tài của đất nước về Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để học tập, cống hiến, môi trường cạnh tranh rất cao, nên sẽ dễ lựa chọn được nhân tài. Tuy nhiên, quy định về vị trí việc làm cũng như bảo đảm các điều kiện về thu nhập, thăng tiến để họ được thỏa nguyện cống hiến ở Thủ đô cũng như ở thành phố Hồ Chí Minh cần có sự đặc thù.

Về việc hoàn thiện các quy định về quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông Thủ đô, theo đại biểu Nguyễn Minh Đức, thực tế hiện nay, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được sự phát triển và quy mô dân số. Do đó, cần có đánh giá đầy đủ thực tế hạ tầng giao thông đô thị Thủ đô, từ đó cụ thể hóa thành các quy định trong luật gắn với tính đặc thù của Thủ đô để giải bài toán này.

Về cơ chế, chính sách phát triển văn hóa, giáo dục và đào tạo, dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi nêu nhiều mục tiêu và tiêu chí về văn hóa, nhưng quá trình thực hiện cần phải có lộ trình rất cụ thể. Dự thảo mới quy định chủ yếu về việc xây dựng các công trình thể thao hiện đại đạt chuẩn khu vực thế giới, đào tạo, bồi dưỡng vận động viên, huấn luyện viên đạt trình độ quốc gia, quốc tế..., vẫn còn thiếu các quy định để người dân thụ hưởng và phát triển thể thao. Vì vậy, dự Luật sửa đổi cần bổ sung ở góc độ này để bảo đảm tất cả công dân Thủ đô được tập luyện thể dục thể thao.