Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là đột phá lý luận quan trọng và sáng tạo của Đảng
Ngày 24-11, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Lý luận và thực tiễn qua 40 năm đổi mới và những vấn đề đặt ra trong giai đoạn mới”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Phan Chí Hiếu - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khẳng định: Sau gần 40 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm gần đây, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, được quốc tế thừa nhận và đánh giá cao.
Từ một nền kinh tế lạc hậu, đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, Việt Nam đã vươn lên phát triển thành một quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức khá, chất lượng tăng trưởng, an sinh xã hội được cải thiện... Thể chế, chính sách đã có những bước chuyển biến căn bản, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng hơn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; thiết lập các điều kiện thuận lợi phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thực hiện Kế hoạch của Ban Chỉ đạo tổng kết “một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam”, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam được giao nghiên cứu tổng kết 6 nhóm nội dung lớn.
Hội thảo được tổ chức để các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, thảo luận, tổng kết những thành tựu, nhận diện một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân để tìm ra các giải pháp hiệu quả, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng nghiên cứu lý luận, nghiên cứu thực tiễn để giúp Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chiến lược, chính sách phát triển trong giai đoạn tới.
Hội thảo cũng giúp Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có thêm thông tin quan trọng để tiếp tục hoàn thiện các báo cáo gửi Ban Chỉ đạo Trung ương.
6 tham luận trình bày tại hội thảo đã tập trung vào các vấn đề: Bối cảnh quốc tế và trong nước tác động tới Việt Nam qua 40 năm đổi mới và sự đổi mới tư duy và chính sách phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; một số vấn đề xã hội và quản lý phát triển xã hội trong giai đoạn mới; phát triển con người qua 40 năm đổi mới - một số vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra và những đề xuất trong bối cảnh mới hiện nay...
Theo PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã đem lại những kết quả hết sức tích cực cho Việt Nam. Qua gần 40 năm, từ tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức ngày càng đúng đắn hơn, sâu sắc hơn về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội.
“Đưa ra quan niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận quan trọng và sáng tạo của Đảng ta, là một bước tiến về lý luận qua 37 năm thực hiện đường lối đổi mới. Đột phá lý luận này đã là cơ sở quan trọng cho việc vận dụng chính sách vào thực tiễn của nền kinh tế Việt Nam giai đoạn vừa qua.
Tuy nhiên, để sự đột phá lý luận đó phát huy hơn nữa được vai trò mở đường và tính lan tỏa, rất cần phải tiếp tục nghiên cứu, làm rõ những nội dung còn chưa rõ của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để có cơ sở khoa học cho việc thiết lập và phát triển tốt hơn một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường, một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa tuân theo những quy luật của nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của hài hòa xã hội” - PGS.TS. Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh.
Phân tích những vấn đề xã hội và quản lý phát triển xã hội trong tình hình mới, GS.TS Đặng Nguyên Anh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhận xét: Có những vấn đề tiếp nối từ giai đoạn trước, nhiệm kỳ trước song cũng có một số vấn đề và yêu cầu đặt ra trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Quản lý phát triển xã hội bền vững có vị trí quan trọng trong tổng thể hệ thống quản lý phát triển quốc gia, là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và của cả xã hội.
Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045, trước hết cần tăng cường thực hiện đồng bộ thể chế, chính sách xã hội và quản lý phát triển xã hội bền vững dưới sự lãnh đạo của Đảng, bảo đảm vững chắc những thành quả của 40 năm đổi mới, để mọi người dân được tham gia và thụ hưởng ngày một nhiều hơn trong quá trình xây dựng, kiến tạo, hội nhập và phát triển đất nước.