“Tinternet - Nâng cao ý thức người dùng mạng tại Việt Nam” trước tin giả, tin sai sự thật
Trong khuôn khổ chương trình “Tinternet - Nâng cao ý thức người dùng mạng tại Việt Nam” diễn ra tối nay 23-11, các diễn giả đã chia sẻ nhiều tình huống đối phó với tin giả, đồng thời khuyến cáo người dùng cần đặt câu hỏi trước khi bấm nút like (thích), share (chia sẻ)…
Chương trình do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử phối hợp với Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) tổ chức.
Theo ông Nguyễn Bá Diệp, Tổng Giám đốc MoMo, tin giả gây ra những tác động tiêu cực và hậu quả kinh tế nặng nề cho mỗi cá nhân, doanh nghiệp. Vì vậy, khi thấy thông tin, người dùng cần đặt câu hỏi, rằng mình đã nhìn thấy sự việc chưa? Liệu mình và người thân của mình có là nạn nhân hay mục tiêu của những thông tin kiểu này không? Việc đặt câu hỏi có thể giúp chúng ta có những kiểm chứng khi like, share.
Để ngăn chặn tin giả, tin sai sự thật, doanh nghiệp không né tránh, mà hãy chủ động thông tin để khách hàng biết và chia sẻ, qua đó góp phần triệt tiêu tin giả.
Còn ông Nguyễn Tấn Lực, Giám đốc kinh doanh Vinamilk tại Hà Nội chia sẻ, “Tinternet - Nâng cao ý thức người dùng mạng tại Việt Nam” là một hoạt động ý nghĩa nhằm nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm mỗi cá nhân, tổ chức khi tham gia cung cấp, chia sẻ thông tin trên mạng, cũng như tạo ra sân chơi lành mạnh để người sử dụng sáng tạo, sản xuất các nội dung tích cực, có ích, đem lại giá trị cho cộng đồng. Đây cũng là một trong những hoạt động ý nghĩa của dự án Phát triển báo chí Việt Nam mà Vinamilk trực tiếp tham gia cùng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử.
Tại sự kiện, đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, sau 2 tháng thực hiện chiến dịch “Tin” với thông điệp “Tin trên mạng, tin cho đúng”, đã có hơn 60 đơn vị báo chí, truyền thông đưa tin về chương trình; hơn 50 bài viết trên VnExpress cung cấp thông tin, giúp công chúng có thêm hiểu biết và nâng cao ý thức phòng, chống và hạn chế tin giả, tin sai sự thật.
Bên cạnh đó, website chính thức của chương trình cũng thu hút gần 50.000 lượt truy cập trong vòng 1 tháng.
Cuộc thi sáng tạo nội dung "anti fake news" đã thu hút hơn 50 bài dự thi, với hơn 130 triệu lượt xem sau gần 1 tháng triển khai. Bên cạnh các video dự thi, có hơn 100 video cũng tham gia đưa tin về chương trình, đạt gần 280 triệu lượt xem.
Đến ngày 20-11, đã có gần 1,5 triệu video gắn hashtag "anti fake news" trên nền tảng TikTok, đạt số lượt xem lên đến hơn 5 tỷ lượt.
Trước đó, chương trình Tinternet được tổ chức từ 8h đến 17h30 trong khuôn viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền với nhiều trò chơi thú vị về chủ đề "anti fake news"…