Giao thông

Hỗ trợ liên tục, thường xuyên trong quá trình vận hành xe đạp công cộng

Lương Ninh Giang 23/11/2023 - 14:30

Sau hai tháng triển khai ở Hà Nội, đã có hơn 100.000 lượt đăng ký tham gia dịch vụ xe đạp công cộng với gần 1 triệu km di chuyển và trung bình có 2.000 lượt di chuyển/ngày. Bước đầu, đây là điểm sáng và nên tạo điều kiện để xe đạp công cộng phát triển. Thành phố đang nghiên cứu bố trí hai tuyến đường dành riêng cho xe đạp, dự kiến triển khai ngay trong năm 2024.

Đó là thông tin được ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, chia sẻ tại cuộc tọa đàm “Có cần trợ giá cho xe đạp công cộng?” do Báo Giao thông tổ chức ngày 23-11.

toa-dam-xe-dap-cong-cong.jpg
Quang cảnh buổi tọa đàm.

Bước đi đúng và hợp lý

Ngày 24-8-2023, dịch vụ xe đạp công cộng tại các quận nội thành Hà Nội chính thức được Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam đưa vào khai thác. Chỉ sau hơn 2 tháng triển khai, đến nay đã có khoảng 100.000 người đăng ký sử dụng xe qua ứng dụng với tổng cộng gần 135.000 chuyến đi.

Dù triển khai dịch vụ này sau một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng…, song tại Hà Nội, số người sử dụng xe đạp công cộng lại nhiều nhất, chiếm hơn 50%.

Không chỉ góp phần giảm khí phát thải, bảo vệ môi trường, dịch vụ xe đạp công cộng còn trở thành phương tiện kết nối giao thông hiệu quả giữa các loại hình giao thông công cộng như đường sắt đô thị, xe buýt.

Chia sẻ về kế hoạch sắp tới, Chủ tịch Công ty vận tải số Trí Nam Đỗ Ba Quân, cho biết, trong tương lai, khi Hà Nội mở thêm các tuyến đường sắt đô thị, công ty sẽ bám theo các tuyến và liên kết với các khu dân cư để phát triển bền vững, lành mạnh. Trước mắt, trong năm 2024, dịch vụ xe đạp công cộng sẽ mở rộng ra các quận, huyện khác như Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, cho biết, xe đạp công cộng không phải lần đầu tiên được triển khai ở Hà Nội. Trước đó, năm 2014, Công ty cổ phần Môi trường xanh từng thí điểm xe đạp công cộng nhưng quy mô hẹp ở 4 trường đại học: Điện lực, Công nghiệp, Thương mại, Cao đẳng Sư phạm Trung ương. Hoạt động thử nghiệm này chỉ diễn ra thời gian ngắn vì nhiều điều kiện khó khăn nên phải tạm dừng. Do đó, Sở đánh giá cao và ghi nhận sự cố gắng của Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam trong triển khai xe đạp công cộng trên 6 tỉnh, thành của cả nước, đặc biệt là ở Hà Nội thời gian gần đây.

Tại Hà Nội, mạng lưới giao thông có đặc thù là ngõ nhỏ, phố nhỏ, ngõ sâu nên từ nơi ở đến nhà ga, bến tàu, trạm xe buýt lên tới hàng ki lô mét. Do đó, phương án xe đạp công cộng là bước đi đúng và hợp lý. Song cần sự điều tiết của Nhà nước, không thể phát triển “nóng". Đây là trách nhiệm của cơ quan nhà nước để có sự điều tiết phù hợp.

“Sau 2 tháng triển khai ở Hà Nội, thống kê đã có hơn 100.000 lượt đăng ký tham gia, gần 1 triệu ki lô mét di chuyển và trung bình có 2.000 lượt di chuyển/ngày. Bước đầu, đây là điểm sáng và nên tạo điều kiện để xe đạp công cộng phát triển. Tuy nhiên, thời điểm thực hiện thí điểm là vào mùa thu Hà Nội nên thời tiết thuận lợi cho di chuyển xe đạp công cộng. Do đó, thời gian tới, Hà Nội sẽ thử nghiệm trong cả năm (mùa hè, mùa đông)… để có thể đánh giá toàn diện trong tất cả điều kiện thời tiết, từ đó, đưa ra các mặt mạnh, mặt yếu, bất cập, tồn tại để có bài toán chiến lược lâu dài", ông Phan Trường Thành lưu ý.

Nhiều thách thức trong quá trình mở rộng, phát triển

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội, cho rằng, vẫn còn nhiều thách thức khi duy trì và phát triển dịch vụ này.

xe-dap-cong-cong-dang-tung-buoc-chinh-phuc-nguoi-dan-thu-do.jpg
Xe đạp công cộng đang từng bước chinh phục người dân.

Trong đó, để mở rộng thị trường, cần có môi trường (về thể chế, hạ tầng giao thông) để phương tiện vận hành thuận tiện. Muốn có môi trường thuận lợi, cần cơ quan quản lý nhà nước đứng ra tạo dựng khung pháp lý, cơ chế vận hành cho phương tiện, bao gồm xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn, yêu cầu của đơn vị vận hành để xe đạp bảo đảm an toàn, thuận tiện cho người dân.

Bên cạnh đó, phải coi đây là loại hình vận tải hành khách công cộng như xe buýt, đường sắt đô thị và Nhà nước phải tham gia để quản lý, xây dựng khung giá sao cho hấp dẫn người dân sử dụng…

Thông tin thêm về chủ trương phát triển xe đạp công cộng của thành phố, ông Phan Trường Thành cho biết, hiện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang nghiên cứu hai tuyến đường dành riêng cho xe đạp và đủ điều kiện sẽ triển khai vào năm 2024.

Thứ nhất là đường chạy dọc sông Tô Lịch, thứ hai là hệ thống hè quanh công viên Hòa Bình, mở rộng các không gian, tiếp cận các khu vực vui chơi du lịch, văn hóa, mua sắm...

Trả lời câu hỏi có nên trợ giá trực tiếp vào giá vé cho xe đạp công cộng, ông Phan Trường Thành cho biết, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội rất vui mừng khi Trí Nam cam kết sẽ đồng hành cùng thành phố tiếp tục phát triển mạng lưới, tăng cường các hệ thống trạm xe phục vụ tốt nhất cho người dân. Hiện, Sở đang rà soát toàn bộ mạng lưới tuyến buýt trên địa bàn, trong đó, tăng cường khả năng kết nối cho loại phương tiện này cũng là ưu tiên hàng đầu, hướng đến coi dịch vụ xe đạp công cộng là giải pháp.

Hiện tại, quan điểm của cơ quan chuyên môn và UBND thành phố Hà Nội đối với dịch vụ xe đạp công cộng, đó là sẽ hỗ trợ liên tục, thường xuyên trong quá trình triển khai, vận hành. Tuy nhiên, vẫn cần đợi kết thúc thí điểm để có sự tổng kết, đánh giá toàn diện, từ đó đưa ra các cơ chế chính sách đầy đủ, hoàn thiện hơn.