Quy hoạch

Quản lý quy hoạch, phát triển không gian Thủ đô đúng định hướng

Bảo Hân 23/11/2023 - 12:08

Theo đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Hà Nội cần tăng cường công tác quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng theo quy hoạch, tránh tình trạng phá vỡ quy hoạch.

Ngày 21-11, Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam dự và gửi tham luận tới hội thảo.

aa4c12d6916747391e76.jpg
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh cùng các đại biểu tham dự hội thảo.

Nhiều bất cập trong quản lý quy hoạch

Tham luận nhận định, thời gian qua, công tác quy hoạch trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần phát triển đô thị ngày càng văn minh, hiện đại, xây dựng nông thôn mới trở thành những miền quê đáng sống.

Tuy nhiên, do công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng theo quy hoạch còn không ít hạn chế, nhất là việc quy hoạch, đầu tư xây dựng các đô thị vệ tinh; quản lý, kiểm soát dân số tại khu vực đô thị trung tâm, dẫn đến hạ tầng đô thị quá tải, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu phát triển 5 đô thị vệ tinh (Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn) rất rõ, nhưng đến nay mới có 3/5 đô thị vệ tinh phủ kín quy hoạch phân khu và thiếu các quy hoạch chi tiết đô thị, ảnh hưởng đến việc đầu tư xây dựng các dự án, thu hút người dân đến làm việc, sinh sống để giảm tải áp lực dân số khu vực nội đô.

Liên quan đến vấn đề quản lý, kiểm soát dân số, theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, dân số toàn thành phố Hà Nội dự báo đến năm 2020 khoảng 7,3-7,9 triệu người, trong đó dân số thành thị khoảng 4,67 triệu người, khu vực nông thôn khoảng 3,28 triệu người.

Nhưng theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 trên địa bàn thành phố Hà Nội, tính đến ngày 1-4-2019, dân số của Thủ đô (gồm dân cư thường trú, tạm trú từ 6 tháng trở lên và những người chuyển đến dưới 6 tháng nhưng xác định ăn ở ổn định) là 8,053 triệu người, vượt 1,93% so với mức quy hoạch tối đa, trong đó dân số thành thị khoảng 3,962 triệu người, khu vực nông thôn khoảng 4,091 triệu người. Tại khu vực nội đô lịch sử, dân số thực tế còn cao hơn rất nhiều so với khống chế tại quy hoạch.

“Vì thế, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, thành phố Hà Nội cần đánh giá lại sự phù hợp, hướng phát triển của hai đô thị vệ tinh Hòa Lạc và Sóc Sơn, khi đô thị vệ tinh Hòa Lạc được định hướng là một phần của thành phố phía Tây (gồm Hòa Lạc - Xuân Mai) và đô thị vệ tinh Sóc Sơn được định hướng là một phần của thành phố phía Bắc (gồm Mê Linh - Đông Anh - Sóc Sơn) theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị”, đồng chí Lê Quốc Minh nêu.

01.jpeg
Định hướng phát triển không gian toàn đô thị Hà Nội trong điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội.

Định hướng phát triển đô thị

Theo đồng chí Lê Quốc Minh, sau hơn 10 năm thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, hiện nay tình hình kinh tế - xã hội Thủ đô và đất nước có nhiều thay đổi.

Hà Nội xác định mô hình phát triển và cấu trúc đô thị trên cơ sở kế thừa mô hình Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Hệ thống đô thị gồm: Đô thị trung tâm, khu vực đô thị phía nam sông Hồng và đô thị Long Biên, Gia Lâm; thành phố phía Bắc (khu vực Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn); thành phố phía Tây (khu vực Hòa Lạc, Xuân Mai); 2 đô thị vệ tinh Sơn Tây, Phú Xuyên; 3 thị trấn sinh thái (Chúc Sơn, Quốc Oai, Phúc Thọ) và 7 thị trấn huyện lỵ.

Đáng chú ý, thành phố Hà Nội định hướng phát triển 5 trục không gian chính. Trong đó, trục không gian sông Hồng là trục cảnh quan chính, tạo dựng và khai thác trục không gian hành trình di sản sông Hồng và các điểm di tích liên vùng từ Phú Thọ - Hà Nội - Hưng Yên.

Cùng với đó là việc bảo tồn, phục dựng các công trình kiến trúc tâm linh có yếu tố lịch sử dọc sông Hồng, gìn giữ giá trị của nền văn minh sông Hồng; bảo đảm hành lang, tuyến thoát lũ, bền vững đê điều, phù hợp quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.

Ngoài ra, thành phố định hướng xây dựng hệ thống công viên, cây xanh cảnh quan, công trình văn hóa, vui chơi giải trí, nhà hàng, dịch vụ du lịch và các tiện ích đô thị phục vụ khu dân cư hiện hữu; xây dựng thêm cầu qua sông Hồng để tăng cường kết nối các tuyến đường khu vực Bắc - Nam sông Hồng.

“Có thể thấy, định hướng phát triển không gian quy hoạch của thành phố Hà Nội rất rõ ràng. Hiện nay, Hà Nội đang triển khai song song hai quy hoạch lớn là Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Đây là cơ hội lớn để thành phố hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa”, tham luận của đồng chí Lê Quốc Minh nêu.

Tham luận cũng đề cập, trong quá trình lập, điều chỉnh quy hoạch, Hà Nội cần khai thác, tập hợp trí tuệ các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong và ngoài nước trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc để nâng cao chất lượng các quy hoạch. Đặc biệt, thành phố cần tăng cường công tác quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng theo quy hoạch, tránh tình trạng phá vỡ quy hoạch xảy ra thời gian qua.