Nông nghiệp - Nông thôn

Nâng cao ý thức, trách nhiệm trong sản xuất

Bạch Thanh 23/11/2023 - 07:15

Hà Nội là địa phương có số lượng hợp tác xã nông nghiệp lớn trong cả nước, với gần 1.400 hợp tác xã.

Mặc dù, ngành Nông nghiệp đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn cho nông dân, song nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp vẫn rất cao.

rau-an-toan.jpg
Chăm sóc rau an toàn tại Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao (huyện Mê Linh). Ảnh: Hoàng Văn

Nhiều nguy cơ mất an toàn lao động

Vụ mùa năm 2023, để giảm nhẹ thiệt hại trên diện tích lúa bị nhiễm bệnh, chị Nguyễn Thị Thu ở xã Tráng Việt, huyện Mê Linh quyết định sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đáng nói là, trong quá trình phun thuốc, chị Thu chưa có ý thức tự bảo vệ sức khỏe khi chỉ đeo khẩu trang bình thường, dẫn đến nguy cơ tiếp xúc với hóa chất rất cao. Cũng như chị Thu, nhiều người dân trồng hoa ở các xã Mê Linh, Đại Thịnh… khi phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng đều không sử dụng bảo hộ lao động, găng tay, kính mắt...

Trong khi đó, trường hợp của bà Đặng Thị Viễn ở xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, do vận hành, cũng như không có bảo hộ lao động, tóc của bà Viễn đã bị cuốn vào máy xay xát lúa gạo. Hậu quả phải trải qua nhiều ca phẫu thuật cấy ghép da tại bệnh viện,... Dù sự việc đã xảy ra từ nhiều năm nay, nhưng di chứng ảnh hưởng tới sức khỏe của bà vẫn còn khá nặng nề, thường xuyên bị đau đầu khi thời tiết thay đổi. Bà cũng thường xuyên phải sử dụng tóc giả để che đi phần da đầu không có tóc mọc.

Đây là những "minh chứng sống" của rất nhiều trường hợp mất an toàn lao động trong sản xuất nông nghiệp. Thực tế lâu nay, sản xuất nông nghiệp gần như được xem là việc nhà của nông dân nên các tai nạn xảy ra rất khó thống kê. Bản thân người nông dân cũng không quan tâm, để ý đến những lần gặp tai nạn nhẹ hoặc bị ảnh hưởng sức khỏe trong quá trình lao động, sản xuất.

Nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động trong sản xuất nông nghiệp phần lớn là do lao động chưa qua đào tạo nghề, họ thường làm việc theo kinh nghiệm. Nhiều người thiếu kiến thức và kỹ năng sử dụng máy nông nghiệp, mua máy về tự học, tự làm, không có người hướng dẫn bài bản, dẫn đến nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Long Xuyên (huyện Phúc Thọ) Nguyễn Thị Kim Liên cho biết, ngoài nguy cơ mất an toàn do sử dụng máy móc thì việc sử dụng các loại hóa chất trong chăm sóc, bảo vệ cây trồng không đúng cách cũng gây nguy hiểm cho nông dân. Với tâm lý sản xuất theo thói quen, người dân thường bỏ qua việc sử dụng bảo hộ lao động. Một số người dân vì lợi nhuận kinh tế đã lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng cây trồng, vật nuôi không theo hướng dẫn, không tuân thủ thời gian cách ly… để tăng năng suất, làm mất an toàn, vệ sinh lao động trong nông nghiệp.

Ở khía cạnh khác, Giám đốc Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Khai Thái (huyện Phú Xuyên) Nguyễn Đức Tuấn cho rằng, vấn đề an toàn lao động trong sản xuất nông nghiệp cũng chưa được một số địa phương và ngành chức năng quan tâm đúng mức; công tác quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động trong nông nghiệp ở nhiều nơi bị buông lỏng; việc thanh tra, kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động đối với nông nghiệp và nông dân còn yếu; công tác thông tin, tuyên truyền, huấn luyện về vệ sinh, an toàn lao động chưa được thực hiện kịp thời, thường xuyên.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Để bảo đảm an toàn trong sản xuất nông nghiệp, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Vũ Thị Huệ cho rằng, mỗi người dân khi tham gia sản xuất nông nghiệp cần chủ động nâng cao nhận thức và ý thức bảo vệ bản thân; thay đổi tư duy sản xuất, xây dựng kế hoạch sản xuất sạch, an toàn. Đồng thời, phát triển sản xuất theo quy hoạch để thuận lợi áp dụng cơ giới hóa trong chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm, tạo ra những sản phẩm an toàn với sức khỏe của người sản xuất và tiêu dùng, nâng cao giá trị cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao (huyện Mê Linh) Đàm Văn Đua, để phòng tránh những rủi ro khi tham gia sản xuất nông nghiệp, các ngành chức năng cần tăng cường công tác tập huấn, nâng cao kỹ thuật, tay nghề trong vận hành máy móc cho nông dân; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, đúng liều lượng, thời gian quy định. Cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng máy móc, thiết bị; có chế tài xử phạt mạnh những đơn vị, cá nhân cung cấp thiết bị không bảo đảm an toàn kỹ thuật. Các đơn vị cung cấp thiết bị, máy móc nông nghiệp phải phối hợp với lực lượng chức năng trong việc hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn người dân cách sử dụng thiết bị, máy móc một cách bài bản.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Nguyễn Tiến Phong cho biết, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, thành viên, người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp nói riêng, khu vực kinh tế tập thể nói chung về an toàn lao động, thời gian qua, Liên minh Hợp tác xã thành phố đã phối hợp các đơn vị mở nhiều lớp tập huấn về an toàn lao động.

Trong thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã thành phố tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan mở thêm nhiều lớp tập huấn về an toàn, vệ sinh lao động chuyên sâu theo nhóm ngành, nghề chuyên biệt, giúp người lao động trong các hợp tác xã nông nghiệp hiểu rõ hơn và nâng cao ý thức, trách nhiệm trong sản xuất.