Tạo cơ chế khuyến khích sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học
Hiện nhiều địa phương đang gia tăng sử dụng thuốc bảo vệ sinh học nhằm tạo ra sản phẩm nông sản chất lượng cao, an toàn đối với sức khỏe con người và bảo vệ môi trường.
Đây được xem là lựa chọn phù hợp cho sản xuất nông nghiệp bền vững, do đó cần có thêm những cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
An toàn và hiệu quả
Nhiều năm nay, nông dân xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) đã quen với việc không dùng thuốc bảo vệ thực vật hóa học cho cây trồng, thay vào đó là sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Cụ thể, nông dân dùng tỏi, gừng giã nhuyễn trộn với rượu phun lên rau hoặc dùng phương pháp dẫn dụ thủ công bằng đèn bẫy côn trùng; ủ phân từ nguyên liệu lá cây, trấu, tro bón cho cây trồng.
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) Hoàng Thị Hậu cho biết, toàn bộ nước tưới rau được bơm từ hệ thống giếng khoan, không bị nhiễm kim loại. Nguồn nước sạch là yếu tố cơ bản để rau sinh trưởng tốt, không độc hại cho quá trình canh tác cây trồng.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Lưu Thị Hằng, khoảng 10 năm trở lại đây, nông dân quan tâm nhiều hơn đến sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc trong canh tác. Thuốc bảo vệ thực vật sinh học mang tính an toàn cao, ít độc đối với môi trường, mà vẫn cho năng suất, chất lượng tốt.
Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Huỳnh Tấn Đạt cho biết, hiện cả nước có 99 cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật đủ điều kiện sản xuất, trong đó có 85 cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Đến nay, Việt Nam đã sản xuất được gần 30 dạng thuốc bảo vệ thực vật sinh học thành phẩm, trong đó nhiều dạng tiên tiến, an toàn cho con người. Các công nghệ sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học phổ biến trên thế giới đã được đăng ký, sản xuất và ứng dụng ở Việt Nam, như: Thuốc sinh học nano, thuốc sinh học chiết xuất từ thảo mộc, thuốc sinh học chứa các vi sinh vật, có nguồn gốc vi rút, nguồn gốc từ tuyến trùng...
“Nếu như năm 2020, cả nước chỉ nhập khẩu 21,9 nghìn tấn thuốc bảo vệ thực vật sinh học, đạt 89,4 triệu USD thì năm 2021 tăng lên 28,2 nghìn tấn, đạt 113,8 triệu USD. 9 tháng năm 2023 nhập khẩu 13,5 nghìn tấn, đạt 50,5 triệu USD. Trong 3 năm gần đây, lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học sử dụng trung bình trên cả nước ổn định và có xu hướng tăng từ 16,67% năm 2020 lên 18,49% năm 2022”, ông Huỳnh Tấn Đạt thông tin.
Bổ sung chính sách hỗ trợ nông dân
Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học giúp tạo ra nông sản chất lượng cao, an toàn đối với sức khỏe con người và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hiện việc mở rộng những mô hình sản xuất nông nghiệp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học còn hạn chế do phần lớn thuốc phải nhập từ nước ngoài; chi phí sử dụng cao, khó bảo quản so với thuốc hóa học. Ngoài ra, nhận thức của người dân về vai trò của thuốc bảo vệ thực vật sinh học, hiểu biết về cách sử dụng để đạt hiệu quả cao còn hạn chế...
Nhằm nhân rộng mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, Sở đã và đang chỉ đạo Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật địa phương tăng cường tuyên truyền, chú trọng nội dung về đặc tính, lợi ích của thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc để nông dân hiểu, tích cực sử dụng các chủng loại thuốc bảo vệ thực vật theo hướng an toàn, tạo ra sản phẩm nông nghiệp bảo đảm chất lượng, đủ điều kiện xuất khẩu. Mặt khác, ngành Nông nghiệp hỗ trợ các địa phương triển khai thí điểm những mô hình sản xuất sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học để nhân rộng diện tích sản xuất nông sản an toàn, thực hiện liên kết sản xuất với doanh nghiệp, đưa sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại.
Để triển khai hiệu quả Chương trình “Phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học giai đoạn 2021-2025”, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt đề xuất các bộ, ngành bổ sung chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, hỗ trợ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học; miễn giảm phí, thuế nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Ông Huỳnh Tấn Đạt cho rằng, các địa phương cần ban hành cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, đặc biệt khuyến khích sử dụng thuốc sinh học quy mô nông hộ…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết, ngành Nông nghiệp sẽ đẩy mạnh sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong nước; tiếp tục hoàn thiện phương pháp thử - kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật sinh học; nghiên cứu bài bản loại thuốc này, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người dân chứ không dừng ở việc thử nghiệm; tăng cường hợp tác quốc tế, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi thu hút vốn từ nhiều thành phần kinh tế cho phát triển sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học tại Việt Nam...