Giao thông

Tối ưu năng lực phục vụ của xe buýt

Tuấn Lương 23/11/2023 - 06:20

Việc điều chỉnh hợp lý hóa luồng tuyến thời gian qua đã góp phần mở rộng vùng phục vụ, tăng khả năng tiếp cận của người dân đối với xe buýt. Nhờ đó, sản lượng hành khách đang dần tăng trở lại.

Phát huy kết quả đạt được, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội đang khẩn trương phối hợp với đơn vị tư vấn đánh giá tổng thể hiệu quả mạng lưới các tuyến xe buýt, từ đó tiếp tục rà soát, điều chỉnh hợp lý hóa luồng tuyến, biểu đồ chạy xe…

xe-buyt.jpg
Tuyến xe buýt số 122 có điểm đầu tại Bến xe Gia Lâm, điểm cuối tại bãi đỗ xe buýt Khu công nghiệp Bắc Thăng Long đã được điều chỉnh lộ trình bảo đảm thuận tiện cho hành khách. Ảnh: Nguyễn Quang

Điều chỉnh lộ trình nhiều tuyến buýt

Cuối tháng 5-2023, đối thoại với Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, nhiều công nhân, người lao động đã kiến nghị thành phố xem xét bố trí điểm dừng xe buýt trong các khu công nghiệp, như: Thăng Long, Quang Minh, Nội Bài…, với những khung giờ đi làm và tan ca để giúp họ đi làm thuận tiện bằng phương tiện vận tải công cộng.

Trước kiến nghị này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã giao Sở Giao thông vận tải Hà Nội phối hợp Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, chính quyền địa phương và các đơn vị vận hành xe buýt nghiên cứu, khảo sát, đề xuất phương án phù hợp; có thể tổ chức xe hợp đồng đưa đón công nhân, người lao động.

Ngay sau đó, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã quyết định điều chỉnh điểm đầu cuối, lộ trình, cự ly tuyến buýt số 63 và tuyến buýt số 122. Theo đó, tuyến buýt số 63 có điểm đầu tại bãi đỗ xe buýt Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, điểm cuối tại xã Tiến Thịnh (huyện Mê Linh), cự ly tuyến 29,65km; tuyến buýt số 122 có điểm đầu tại Bến xe Gia Lâm, điểm cuối tại bãi đỗ xe buýt Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, cự ly tuyến 32,5km. Cả hai tuyến buýt này sau khi điều chỉnh đều tiếp cận vào khu vực đường nội bộ trong khu công nghiệp, thuận tiện cho công nhân, người lao động sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng.

Trước đó, nhằm đáp ứng nhu cầu cho khoảng 6.000 sinh viên và hàng nghìn cán bộ, giáo viên, công nhân, người lao động trên địa bàn Khu đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã điều chỉnh lộ trình các tuyến buýt số 74 (Bến xe Mỹ Đình - Xuân Khanh) và 107 (Kim Mã - Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam) kết nối với những điểm dừng, đỗ được bố trí trong khuôn viên nhà trường.

Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc Nguyễn Hữu Hiếu, đến năm 2025 sẽ có khoảng 15.000 sinh viên học tập trung tại đây. Dự kiến, số lượng cán bộ, giảng viên, sinh viên di chuyển từ Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc về các quận nội thành và ngược lại là rất lớn. Vì vậy, việc có thêm các tuyến buýt kết nối để thuận tiện trong việc di chuyển đang là mong mỏi của cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường, qua đó hạn chế việc sử dụng phương tiện cá nhân, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.

xe-buyt-1.jpg
Hành khách sử dụng dịch vụ xe buýt tại trạm trung chuyển Long Biên (quận Ba Đình). Ảnh: Đỗ Tâm

Đánh giá tổng thể mạng lưới các tuyến buýt

Hà Nội hiện có 154 tuyến buýt đang khai thác, do 11 đơn vị vận tải vận hành, với hơn 2.300 phương tiện. Mạng lưới tuyến buýt đã tiếp cận đến toàn bộ 30/30 quận, huyện, thị xã.

Nhiều năm qua, xe buýt đã khẳng định được vai trò chủ lực trong mạng lưới vận tải hành khách công cộng của Thủ đô. Tuy nhiên, mạng lưới tuyến buýt của Hà Nội vẫn bộc lộ một số bất cập, hạn chế, đặc biệt là việc sắp xếp lộ trình, tần suất, thời gian chạy xe.

Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Sở Giao thông vận tải Hà Nội đặt ra là phải sắp xếp, điều chỉnh mạng lưới tuyến buýt, hợp lý hóa lộ trình, tần suất chạy xe nhằm tối ưu năng lực phục vụ, không ngừng cải thiện chất lượng dịch vụ. Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội Thái Hồ Phương cho biết, đơn vị đã tham mưu rà soát, trình Sở Giao thông vận tải Hà Nội phê duyệt điều chỉnh hợp lý hóa lộ trình, tần suất, thời gian biểu chạy xe đối với 78 tuyến buýt.

Trong đó hợp lý hóa lộ trình 18 tuyến; điều chỉnh lộ trình, dịch vụ 27 tuyến; điều chỉnh tần suất dịch vụ 8 tuyến; điều chỉnh thời gian biểu chạy xe 25 tuyến. Đến nay kết quả mang lại rất khả quan. Trong 9 tháng của năm 2023, sản lượng hành khách của xe buýt đạt 410,2 triệu lượt người, tăng 57,1% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu toàn mạng buýt đạt hơn 410,2 tỷ đồng, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2022.

“Sản lượng khách tăng trở lại có nhiều nguyên nhân và một trong số đó là từ việc điều chỉnh lộ trình, hợp lý hóa tần suất, thời gian chạy xe của các tuyến buýt theo tổ chức giao thông chung của thành phố và phù hợp với thực tế, điều kiện vận hành và nhu cầu đi lại của nhân dân”, ông Thái Hồ Phương chia sẻ.

Cũng theo ông Thái Hồ Phương, thực hiện chỉ đạo của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, trung tâm đang phối hợp với đơn vị tư vấn, đánh giá tổng thể hiệu quả mạng lưới các tuyến xe buýt. Từ đó tiếp tục rà soát, điều chỉnh hợp lý hóa luồng tuyến, biểu đồ chạy xe nhằm tránh ùn tắc, giảm thời gian chuyến đi của hành khách và tăng tính kết nối, trung chuyển hành khách giữa xe buýt với đường sắt đô thị.