Kinh tế

Nguồn lực hạn chế, doanh nghiệp chấp nhận làm gia công

Lam Giang 22/11/2023 - 20:54

Một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa phát huy được hết năng lực để tận dụng cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại là do nguồn lực tài chính hạn chế. Do đó, họ chủ yếu làm các sản phẩm gia công theo đơn đặt hàng của các nhà nhập khẩu, giá trị gia tăng thấp.

22.11-toa-dam-von.jpg

Nội dung này được nêu ra tại tọa đàm “Giải pháp tín dụng và nguồn tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 22-11.

Theo bà Nguyễn Thị Lan Phương, Phó Trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương), với việc thực thi các FTA, doanh nghiệp Việt Nam đã từng bước tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan để tăng trưởng xuất khẩu, tăng cường năng lực sản xuất, nâng cao trình độ khoa học công nghệ, nắm bắt các cơ hội hợp tác mới từ các dòng vốn đầu tư.

Dù vậy, quá trình tận dụng FTA của doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế, khi tỷ trọng xuất khẩu tại các thị trường FTA còn rất khiêm tốn so với tiềm năng trong khi các doanh nghiệp FDI tận dụng tốt các FTA.

Một trong các nguyên nhân là do doanh nghiệp có nguồn lực tài chính hạn chế, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng.

Khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2022 cho thấy, 55,6% doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có khó khăn lớn nhất là tiếp cận tín dụng. Điều này khiến doanh nghiệp vẫn chủ yếu sản xuất các sản phẩm gia công theo đơn đặt hàng của các nhà nhập khẩu cũng như sản xuất những sản phẩm có đặc thù chế biến ít, giá trị gia tăng thấp. “Chúng ta cũng chưa có sự quan tâm đúng mức và đầy đủ đối với việc xây dựng các sản phẩm có thương hiệu “Made in Việt Nam” trên thị trường các nước FTA,” bà Phương nêu thực tế.

Thiếu nguồn vốn khiến doanh nghiệp khó có thể đầu tư bài bản, chuyển đổi công nghệ sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu cũng như xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị và gia tăng giá trị xuất khẩu.

xk-thuy-san.jpeg
Các doanh nghiệp ngành thủy sản mong muốn tiếp tục giảm lãi suất để trợ lực cho sản xuất.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, đến nay, hơn 60% gói hỗ trợ 15 ngàn tỷ đồng đã được giải ngân và cộng đồng doanh nghiệp rất trân trọng sự chung tay hỗ trợ của Chính phủ và ngành ngân hàng đối với doanh nghiệp.

“Chúng tôi rất mong sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành của ngành ngân hàng để làm sao giảm lãi suất với Việt Nam đồng dưới 7% và lãi suất với USD dưới 4%. Đây sẽ là một trợ lực đáng kể đối với ngành thủy sản để ít nhất trong năm tới 2024 sẽ có thêm nhiều dư địa đẩy mạnh xuất khẩu”, ông Nam kiến nghị.

Bà Nguyễn Thị Lan Phương, Phó Trưởng phòng WTO và FTA cho biết, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực thi các FTA thế hệ mới năm 2022 và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận những nguồn vốn tín dụng để tận dụng các FTA .

Bộ cũng đang xây dựng hệ sinh thái, phát triển ngành hàng tại các tỉnh, thành phố với giải pháp nguồn tín dụng là một cấu phần quan trọng bảo đảm thành công của hệ sinh thái...