Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Cảnh giác hiện tượng đưa hình ảnh lên mạng xã hội để nói xấu cán bộ

Đàm Công Lợi 22/11/2023 - 07:09

Mạng xã hội là một thành tựu khoa học - công nghệ của nhân loại, tạo thêm không gian để chia sẻ, trao đổi thông tin và kết nối trên phạm vi toàn cầu.

Trước sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội, chúng ta cần nhận diện đúng những thông tin xấu, độc, nhất là cảnh giác với hiện tượng đưa ảnh có thật lên mạng xã hội để nói xấu cán bộ địa phương, qua đó ngăn ngừa những tác động tiêu cực, góp phần ổn định chính trị, xã hội.

t6-baove-tutuong-nentang-.jpg
Các đại biểu thảo luận tại tọa đàm “Làm thế nào để hạn chế tin giả, tin sai sự thật tại Việt Nam?” do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức, tháng 10-2023.

Chiêu trò nguy hiểm của các thế lực thù địch

Thời gian qua, các thế lực thù địch đã không từ bất cứ thủ đoạn nào, triệt để khai thác mạng xã hội như một công cụ đắc lực để xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu, bôi nhọ uy tín cán bộ. Trong đó, có chiêu bài đưa hình ảnh có thật tại một số địa phương trên địa bàn huyện Quốc Oai (thành phố Hà Nội) lên mạng xã hội để công kích, bôi nhọ, nói xấu cán bộ địa phương. Mục đích của chúng nhằm hạ uy tín cán bộ, nhất là vào các thời điểm nhạy cảm như trước kỳ Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Thời gian mà các đối tượng này lựa chọn đăng tải thông tin thường vào đêm khuya, khi mà mọi người đã chìm sâu vào giấc ngủ nên không nắm bắt được tình hình, dễ hiểu sai sự việc, tạo thị phi trong xã hội, gây chia rẽ nội bộ và làm giảm lòng tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền địa phương.

Đơn cử như, sáng 28-8-2022, tài khoản Facebook Thạo Hoàng Thạo đăng bài trên nhóm “Quốc Oai quê tôi” với nội dung: “Tuyết Nghĩa: Đống gỗ để vô văn hóa giữa ngã 4, các cháu học sinh đi học khuất tầm nhìn, cán bộ bận đi hát, trách nhiệm này thuộc về ai? mọi người cùng góp ý và ý kiến”.

Trước đó, ngày 20-6-2022, hàng loạt tài khoản Facebook đăng tải, chia sẻ hình ảnh đám cháy với dòng tít sai sự thật, xuyên tạc: “Cán bộ địa phương ở đâu vào thời điểm khu nhà Tứ Ân, chùa Hòa Phúc - xã Hòa Thạch bốc cháy vào 14h ngày 20-6-2022”. Thêm nữa là các bài viết kèm ảnh để bẻ cong, bóp méo về sự cố y khoa tiêm nhầm vắc xin Covid-19 cho 18 trẻ dưới 7 tháng tuổi tại xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai vào ngày 3-11-2021.

Với những hành động đưa hình ảnh lên mạng xã hội để nói xấu cán bộ địa phương nêu trên, sau khi nắm tình hình, huyện Quốc Oai đã chỉ đạo xác minh thông tin, giải quyết triệt để vụ việc. Đến sáng 28-8-2022, UBND xã Tuyết Nghĩa đã chỉ đạo lực lượng chức năng thu dọn đống gỗ của hộ gia đình tại khu vực đường liên xã DH 02 Tuyết Nghĩa - Phú Cát và chỉ đạo Công an xã Tuyết Nghĩa mời anh Hoàng Văn Thạo (người đăng bài) ở thôn Cổ Hiền lên làm việc để xác minh nội dung liên quan.

Cùng thời gian đó, Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo 35 huyện Quốc Oai có bài viết kèm hình ảnh thể hiện nội dung đã thu dọn xong đống gỗ, trả lại mặt đường thông thoáng cho nhân dân đăng tải trên fanpage của Ban Chỉ đạo để định hướng dư luận. Sau đó, không còn ý kiến bình luận tiêu cực về vụ việc này.

Về vụ việc cháy nhà Tứ Ân của chùa Hòa Phúc - xã Hòa Thạch, ở thời điểm xảy ra đám cháy, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện và đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai đã trực tiếp kiểm tra tại hiện trường và chỉ đạo lực lượng chức năng cùng nhân dân địa phương tập trung dập tắt đám cháy. Tuy nhiên, sau đó đã có nhiều thông tin sai sự thật liên quan đến vụ việc này. Do vậy, Ban Chỉ đạo 35 huyện Quốc Oai đã kịp thời chỉ đạo đăng các tin, bài cung cấp thông tin chính xác với hình ảnh các đồng chí lãnh đạo huyện tại hiện trường cùng sự nỗ lực chữa cháy của lực lượng chức năng để định hướng dư luận, ổn định tư tưởng trong nhân dân.

Ngay khi nhận được tin báo về sự cố y khoa tiêm nhầm vắc xin Covid-19 tại Trạm y tế xã Yên Sơn, lãnh đạo huyện Quốc Oai đã kịp thời báo cáo lãnh đạo thành phố Hà Nội, đình chỉ công tác cán bộ thực hiện việc tiêm phòng, rà soát lại quy trình, khẩn trương chuyển toàn bộ 18 trẻ đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn để được chăm sóc y tế trong điều kiện tốt nhất. Đồng thời, huyện đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền xã Yên Sơn nắm bắt tình hình, làm tốt công tác tư tưởng, động viên nhân dân; ưu tiên nhiệm vụ trước mắt là kiểm tra, theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho các cháu nhỏ... Sau khi được kiểm tra và có kết luận y khoa, huyện Quốc Oai đã đăng tải kết quả chăm sóc của ngành Y tế đối với các cháu và thông tin để nhân dân được biết, không gây tâm lý hoang mang, xáo trộn trong nhân dân.

Như vậy, việc lợi dụng những hình ảnh có thật, rồi lồng ghép đưa nội dung sai sự thật, là một chiêu trò mà các thế lực thù địch lợi dụng hòng nói xấu chính quyền, bôi nhọ hình ảnh cán bộ, đảng viên, phủ nhận vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, gây chia rẽ người dân với chính quyền cơ sở. Chính vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần hết sức cảnh giác, nhận diện, kiên quyết đấu tranh loại trừ hành vi nguy hiểm này.

Những bài học kinh nghiệm

Trước hiện tượng trên tại địa bàn huyện Quốc Oai, chúng ta cần có kỹ năng nhận diện và đấu tranh để vô hiệu hóa, vạch trần những phương thức thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động và phần tử xấu lợi dụng không gian mạng đưa thông tin xấu độc, giả mạo.

Thứ nhất, cần xem xét, đánh giá kỹ thông tin xấu độc thường có tiêu đề hấp dẫn, gây sự chú ý của cộng đồng mạng.

Thứ hai, kiểm chứng cơ sở nguồn tin, xem thông tin đó đến từ nguồn nào, nếu đến từ người lạ, thông tin không rõ ràng cần cảnh giác, có thể xem mục giới thiệu để kiểm tra; nếu đến từ cán bộ, công chức, viên chức hoặc người dân trên địa bàn thì phải xem ở đơn vị, địa phương nào để có biện pháp định hướng nguồn tin.

Thứ ba, xác định đối tượng phát tán thông tin sai sự thật, qua đó đưa ra biện pháp xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật; đồng thời khẩn trương có thông tin đính chính hoặc bài viết phản bác lại các luận điệu sai trái, không đúng sự thật.

Thứ tư, kiểm tra tính xác thực của hình ảnh, bởi những thông tin xấu độc thường chứa hình ảnh hoặc video bị chỉnh sửa, gây nhầm lẫn, lầm tưởng cho người xem.

Những thông tin xấu độc trên internet và mạng xã hội do các thế lực phản động, chống đối, cơ hội chính trị và cá nhân thiếu hiểu biết đưa lên có tác động tiêu cực đến tình hình tư tưởng dư luận xã hội, gây nghi ngờ, làm giảm sút lòng tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Việc nhận diện, vạch trần và đấu tranh vô hiệu hóa những phương thức, thủ đoạn như kể trên là rất quan trọng, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: Tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta theo tinh thần “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”. Đúng như lời của đồng chí Tổng Bí thư, trong mọi công việc ở địa phương, nếu "Trên dưới đồng lòng", “Dọc ngang thông suốt”, kết quả sẽ thành công. Nhìn cụ thể hơn, đối với việc xử lý những hành vi đưa thông tin, hình ảnh xấu độc, không đúng sự thật lên mạng xã hội, cấp ủy, chính quyền địa phương cần vào cuộc nhanh chóng để nhận diện, đồng thời kịp thời đưa ra thông tin chính thống, có tính định hướng dư luận cao, qua đó giúp người dân đồng lòng, thông suốt, góp phần ổn định tình hình địa phương.