Nông thôn mới

Tăng sức hút của tổ hội nông dân nghề nghiệp

Bạch Thanh 22/11/2023 - 06:46

Việc xây dựng các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp tạo tiền đề cho việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể.

Chính vì vậy, Hội Nông dân thành phố Hà Nội rất coi trọng việc phát triển, nhân rộng mô hình hoạt động của các chi, tổ hội nghề nghiệp, qua đó, xây dựng được nhiều đơn vị hoạt động hiệu quả, thu hút hội viên nông dân tham gia.

kiem-tra-chat-luong-trung-g.jpg
Kiểm tra chất lượng trứng gà tại xã Khai Thái (huyện Phú Xuyên). Ảnh: Thu Hằng

Xã Khai Thái là một trong những địa phương phát triển mạnh mô hình nuôi gà đẻ trứng với quy mô trang trại lớn của huyện Phú Xuyên. Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển chăn nuôi của địa phương, tạo liên kết hỗ trợ từ sản xuất đến tiêu thụ, năm 2021, Chi hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi gà đẻ xã Khai Thái được thành lập với 23 thành viên.

Các thành viên trong chi hội đã cùng nhau ứng dụng một số kỹ thuật tiên tiến vào đầu tư chăn nuôi, như: Chọn giống gà cho chất lượng, sản lượng trứng ổn định, xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín, có hệ thống làm lạnh, sử dụng chế phẩm sinh học cho gà ăn và khử mùi phân gà, định kỳ tiêm phòng cho đàn gà đẻ...

Chị Nguyễn Hòa Thuận, Chi hội trưởng Chi hội chăn nuôi gà đẻ trứng xã Khai Thái chia sẻ, các thành viên trong chi hội thường xuyên họp, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, cách phòng, chống dịch bệnh, thống nhất giá bán và đầu mối tiêu thụ sản phẩm, nên việc sản xuất, kinh doanh của các hộ đi vào nền nếp, cho thu nhập khá.

Tương tự, Chi hội nghề nghiệp hoa giấy xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) cũng thu hút nhiều hội viên nông dân tham gia. Với tiêu chí “5 tự” (tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm) và “5 cùng” (cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng chịu trách nhiệm; cùng hưởng lợi), Chi hội nghề nghiệp hoa giấy xã Phù Đổng đã hoạt động rất hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho hội viên.

Không chỉ ở các huyện: Phú Xuyên, Gia Lâm, tại nhiều địa phương trên địa bàn thành phố cũng đẩy mạnh xây dựng mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp hiệu quả. Điển hình như Chi hội nông dân nghề nghiệp sản xuất, kinh doanh miến dong xã Tân Hòa (huyện Quốc Oai) với 29 thành viên, thu hút khoảng 300 lao động trong và ngoài địa phương; Chi hội sản xuất rau an toàn xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) có 30 thành viên tham gia sản xuất trên 5,4ha, năng suất đạt 130 tấn rau quả/năm, giải quyết việc làm cho 70 lao động...

Tính đến thời điểm này của nhiệm kỳ 2018-2023, Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã xây dựng 156 chi hội nghề nghiệp với 3.374 thành viên và 2.327 tổ hội nghề nghiệp với 14.984 thành viên. Từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã chỉ đạo, hướng dẫn thành lập và ra mắt được 28 chi hội nông dân nghề nghiệp, với 395 thành viên và 198 tổ hội nông dân nghề nghiệp, với 1.715 thành viên; 10 hợp tác xã, 150 tổ hợp tác.

Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa cho biết, thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNDTƯ ngày 5-8-2019 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII về “Đẩy mạnh xây dựng chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp”, Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã hỗ trợ các chi, tổ hội hoạt động ngày càng hiệu quả, qua đó hỗ trợ nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.

Kinh nghiệm rút ra là sau khi các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp được thành lập, Hội Nông dân thành phố Hà Nội cùng chính quyền, cơ quan chức năng tạo điều kiện để các đơn vị này hoạt động hiệu quả, như: Tạo nguồn vốn vay ưu đãi; mời các kỹ sư, chuyên gia ở các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ đến tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật; xây dựng các mô hình mẫu…; kết nối doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài địa phương đến liên kết sản xuất, thu mua sản phẩm.

Để các tổ, hội nghề nghiệp duy trì hoạt động hiệu quả, thu hút đông đảo hội viên tham gia, thời gian tới, Hội Nông dân thành phố Hà Nội tiếp tục định hướng các chi, tổ hội nghề nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường; tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất, tăng cường liên kết sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ. Cùng với nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội tiếp tục phối hợp với các ngân hàng giúp chi, tổ hội nghề nghiệp tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.