Vi sinh vật "ăn" nhựa: Giải pháp tiềm năng cho ô nhiễm rác thải nhựa
Ngày càng nhiều nghiên cứu đã xác định được những vi sinh vật chứa enzym có khả năng phân hủy các loại nhựa phổ biến. Đây được đánh giá là giải pháp tiềm năng đối với vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa toàn cầu.
Anja Brandon, chuyên gia về nhựa của tổ chức phi lợi nhuận Bảo tồn đại dương có trụ sở tại thành phố Washington (Mỹ) cho biết, một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường xuất phát từ rác thải nhựa. Trong hầu hết các hình thái môi trường, vi sinh vật bắt đầu tương tác nhiều hơn với nhựa, thậm chí tiến hóa với khả năng phân hủy chất liệu này.
Quá trình nghiên cứu vẫn đang ở giai đoạn đầu nên chưa rõ số lượng nhựa có thể được phân hủy bởi vi sinh vật. Nhưng với quy mô của tình trạng ô nhiễm nhựa trên toàn cầu, các chuyên gia nhận định việc khám phá các biện pháp ứng phó là yếu tố quan trọng. Một nghiên cứu hồi tháng 3 do Viện 5 Gyres (Mỹ) thực hiện cho thấy, hơn 170 nghìn tỷ mảnh nhựa đang tồn tại trong các đại dương trên thế giới. Con số này đang tăng gấp đôi sau mỗi 6 năm.
Những người ủng hộ cho rằng, biện pháp hữu hiệu nhất để kiểm soát ô nhiễm rác thải nhựa là ngừng sản xuất chất liệu này. Tuy nhiên, vật liệu thay thế với giá rẻ và có hiệu quả sử dụng tương đương vẫn gây nhiều thách thức. Các quốc gia trên thế giới đã nỗ lực tiến tới một hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm rác thải nhựa nhựa nhưng thực tế vẫn chưa thể đồng thuận về phương thức giải quyết.
Theo Washington Post, vi khuẩn và nấm có khả năng phân hủy nhựa sẽ hỗ trợ những nỗ lực tái chế truyền thống. Năm 2015, các nhà nghiên cứu từ Đại học Stanford (Anh) đã phát hiện một loại sâu bột có thể sống nhờ ăn polystyrene (bọt nhựa).
Gần nhất, một nhóm nghiên cứu của Đại học Texas (Mỹ) đã tạo ra loại enzyme có thể tiêu hóa polyetylen terephthalate, một loại nhựa phổ biến được tìm thấy trong quần áo, hộp đựng chất lỏng và đồ ăn. Các nhà nghiên cứu Australia cũng xác định, ấu trùng bọ cánh cứng sẫm màu có thể sống bằng cách ăn bọt nhựa.
Tuy nhiên, nhiều vi sinh vật có khả năng ăn nhựa lại tỏ ra rất “kén chọn”. Các chuyên gia nhận định, hầu hết các vi khuẩn được xác định bởi các nhà nghiên cứu chỉ ăn một số loại nhựa nhất định. Điều này đồng nghĩa, các trung tâm tái chế cần phân loại rác thải theo chất liệu nếu muốn tận dụng phương pháp này.
Những sinh vật này cũng cần thời gian để phân hủy nhựa. Nghiên cứu về sâu bột ăn nhựa cho thấy, trung bình 100 con có thể tiêu thụ từ 20 đến 30 miligram nhựa mỗi ngày và sẽ cần hơn 1 tỷ con để ăn hết lượng nhựa sản xuất trong một ngày của thế giới.
Các nhà nghiên cứu tại Viện Kỹ thuật Sinh học Wyss thuộc Đại học Harvard đang phát triển một giải pháp cho những trở ngại bằng cách xác định những sinh vật có thể phân hủy nhựa theo cách tự nhiên, đồng thời áp dụng kỹ thuật gen để tăng cường khả năng phân hủy chất liệu này.
Phần lớn nghiên cứu về khả năng phân hủy nhựa của vi sinh vật vẫn còn ở giai đoạn thí nghiệm. Một số chuyên gia đánh giá, phương pháp này có thể được ứng dụng trong thực tế nếu các nghiên cứu cho thấy mức độ hiệu quả.