Sửa đổi Luật Thủ đô: Tạo sức bật mới cho Thủ đô phát triển
Sáng 21-11, Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức tọa đàm “Sửa Luật Thủ đô: Tạo sức bật mới cho Thủ đô phát triển”. Nhiều vấn đề thời sự được các chuyên gia đặt ra như, làm thế nào để có đột phá về thu hút nguồn lực, đầu tư tài chính, đáp ứng nhu cầu tổ chức chính quyền và phát triển kinh tế của Thủ đô; phát triển giao thông công cộng ; quy hoạch không gian ngầm, không gian xanh và quy định về trọng dụng nhân tài trong chiến lược phát triển Thủ đô...
Cần những quy định đặc thù cho Thủ đô để tạo hiệu ứng lan tỏa
Nói về sự cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô lần này, TS Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, nhấn mạnh, Luật Thủ đô 2012 đã đạt những kết quả quan trọng, đóng góp vào sự phát triển của Thủ đô về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục… Tuy nhiên, sau 10 năm, đất nước đã có những hướng phát triển mới, Thủ đô chúng ta cũng có những yêu cầu mới, xuất phát từ thực tiễn, đặc biệt là những vấn đề về kinh tế, xã hội, khoa học, giáo dục, y tế… Do đó, việc ban hành Luật Thủ đô sửa đổi không chỉ phục vụ cho Thủ đô, mà còn phục vụ cho sự phát triển của cả nước.
Đồng tình, TS Nguyễn Ngọc Bích, Trưởng bộ môn Luật Hành chính, Trường Đại học Luật Hà Nội cho hay, thủ đô của nhiều nước chỉ là trung tâm chính trị, hoặc có thể là trung tâm văn hóa, nhưng Thủ đô Hà Nội vừa là trung tâm chính trị, vừa là trung tâm văn hóa. Với vị thế đặc biệt đó, năm 2000, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh về Thủ đô Hà Nội và đến năm 2012, Luật Thủ đô được ban hành. Tuy nhiên, Pháp lệnh Thủ đô và Luật Thủ đô mới chủ yếu dừng lại ở quan điểm, chính sách, còn thiếu vắng những quy định cụ thể. Đó là lý do quan trọng để tiến hành sửa đổi Luật Thủ đô.
“Có một chế định mà 2 văn bản trước đây chúng ta chưa đề cập, nhưng lần này, dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi đã đưa vào, đó là quy định về việc tổ chức chính quyền tại thành phố Hà Nội. Đây là một chương rất quan trọng để bảo đảm Luật Thủ đô có thể giúp tháo gỡ các vấn đề Hà Nội đang vướng mắc”, TS Nguyễn Ngọc Bích nhận xét.
Theo hướng đi này, Ban soạn thảo có các quy định về tổ chức chính quyền rất đáng chú ý như: HĐND, UBND thành phố thuộc thành phố được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể một số cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đặc thù; được quyết định biên chế của thành phố; người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính được ký hợp đồng làm việc có thời hạn khi có nhu cầu, được ký hợp đồng với mức lương, chế độ đãi ngộ theo cơ chế thỏa thuận với người có tài năng, người có kinh nghiệm; thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với khả năng ngân sách của thành phố và không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức; thành lập thành phố thuộc thành phố Hà Nội....
So với các địa phương khác, Ban soạn thảo còn đề xuất cho phép Hà Nội tăng số đại biểu HĐND thành phố lên 125 đại biểu, trong đó, có 25% đại biểu chuyên trách (so với 95 đại biểu theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương và không quy định rõ tỷ lệ đại biểu chuyên trách). Tại các phường không còn tổ chức HĐND phường, UBND phường hoạt động theo chế độ thủ trưởng dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch UBND phường (các địa phương khác là chế độ tập thể của UBND).
Theo TS Nguyễn Bích Ngọc, những quy định đặc thù này là cần thiết để Thủ đô dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa.
Củng cố nguồn lực cho Hà Nội
Đặc biệt quan tâm đến vai trò của đường sắt đô thị (ĐSĐT) đối với giao thông vận tải nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung, ông Lê Trung Hiếu, Phó Trưởng ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội thông tin, việc phân cấp để Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư với các dự án theo mô hình TOD (phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm) là một trong những điểm nhấn của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được trình Quốc hội tại kỳ họp lần này.
Theo tính toán của Bộ Tư pháp, phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD là cơ hội để phát triển đô thị nén, góp phần giảm giao thông cơ giới, tắc đường, ô nhiễm môi trường… Chỉ riêng việc giảm tắc đường đã tránh cho Hà Nội không bị thiệt hại từ 23.300 - 27.900 tỷ đồng, tương đương từ 1 - 1,2 tỷ USD/năm.
Đơn cử như tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông, ngay khi được đưa vào khai thác đã thể hiện được tính ưu việt vốn có của một phương thức vận tải nhanh, khối lớn, hiện đại, góp phần giảm mật độ và sức ép giao thông trên dọc hành lang tuyến. Bên cạnh đó, ĐSĐT cũng là giải pháp dài lâu cho các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường...
Ông Lê Trung Hiếu đánh giá, hầu hết các yêu cầu để có thể triển khai hoạt động phát triển định hướng giao thông công cộng đã được đề cập đầy đủ và hoàn chỉnh trong dự thảo luật với sự phân cấp cụ thể, đặc biệt là cơ chế thu hút đầu tư xã hội và nhà đầu tư chiến lược. Điều này cho thấy tầm nhìn chiến lược và chính sách phát triển quy hoạch giao thông của Thủ đô có tính bền vững cao.
Cũng trong chương trình, các khách mời, chuyên gia đã đề cập các giải pháp phát triển không gian ngầm, không gian xanh; các trục không gian sông Hồng, sông Tô Lịch, không gian văn hóa hồ Tây… cùng nhiều nội dung cụ thể khác để phát triển thành phố xanh, sạch, đẹp và bền vững.