Cùng hợp tác, huy động nguồn lực quốc tế để ứng phó với thảm họa
Ngày 21-11, hội nghị Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 11 (hội nghị AP-11) năm 2023 với chủ đề “Châu Á - Thái Bình Dương: Sẵn sàng trước thảm họa” diễn ra tại Hà Nội.
Tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Phó Chủ tịch Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế Maha Barjas Hamoud Al Barjas; Phó Chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế Gilles Carbonnier; đại diện Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế của hơn 60 quốc gia.
Phát biểu tại hội nghị, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang bày tỏ sự vui mừng và gửi lời cảm ơn Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế chọn Việt Nam là nước đăng cai hội nghị AP-11.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, dù hòa bình, hợp tác, phát triển là xu thế chủ đạo, song thế giới đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, khủng hoảng lương thực, khủng hoảng năng lượng…, làm cho số người dễ tổn thương, cần được trợ giúp có xu hướng tăng. Những năm qua, khu vực châu Á - Thái Bình Dương bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thiên tai, thảm họa, dịch bệnh.
Trong khi đó, nguồn lực dành cho các hoạt động hỗ trợ, cứu trợ nhân đạo còn hạn chế, thiếu hụt ở nhiều nơi, đặt ra yêu cầu cấp thiết về tăng cường hợp tác quốc tế trong hoạch định chiến lược, huy động nguồn lực, nâng cao năng lực của các hoạt động nhân đạo cũng như trong phòng ngừa, ứng phó với thảm họa.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam với tinh thần “tương thân, tương ái” mong muốn đóng góp tích cực và hiệu quả cho phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Đây cũng là sự tri ân của Việt Nam đối với bạn bè, cộng đồng quốc tế luôn sát cánh với Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhân sự kiện ý nghĩa này, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang mong muốn chính phủ, tổ chức quốc tế, khu vực và các bên liên quan dành ưu tiên cao, dành nguồn lực nhiều hơn nữa cho công tác nhân đạo. Các quốc gia cùng coi công tác nhân đạo là nhiệm vụ chung, trên cơ sở đó tiếp tục đẩy mạnh hợp tác ở cấp độ quốc gia, song phương, khu vực và toàn cầu.
Ngoài ra, các bên cần nỗ lực chung cho việc phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với thảm họa, thiên tai, dịch bệnh; tiếp tục nỗ lực cao nhất để ngăn chặn xung đột và chiến tranh, xóa đói, giảm nghèo. Những yếu tố này góp phần thúc đẩy phát triển công bằng, bền vững, bao trùm, bảo đảm không một dân tộc nào, không một cộng đồng dân cư bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển của nhân loại…
Tại hội nghị AP-11, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế Maha Barjas Hamoud Al Barja đánh giá cao nước chủ nhà Việt Nam đã đăng cai tổ chức hội nghị. Đây là cơ hội tốt để các quốc gia củng cố sự hợp tác, nâng cao hiệu quả khắc phục, chủ động ứng phó với thiên tai, thảm họa.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa nhấn mạnh, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực thường xuyên hứng chịu nhiều rủi ro, thiệt hại từ biến đổi khí hậu, đặc biệt là những thảm họa thiên nhiên. Do nằm ở tâm điểm của khu vực địa lý, Việt Nam là quốc gia gánh chịu nhiều tác hại của thiên tai, thảm họa, nằm trong danh sách 10 nước thiệt hại nghiêm trọng nhất. Tuy vậy, người Việt Nam đã thích ứng, chung sống với thiên nhiên, cải biến thiên nhiên bằng văn hóa ứng xử, bằng sức mạnh đoàn kết của cộng đồng, dân tộc.
Những bài học ứng phó với thiên tai, thảm họa đã được đại diện Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chia sẻ tại hội nghị AP-11.
Cũng tại sự kiện ý nghĩa này, đại diện Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế của các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ phương thức hỗ trợ hiệu quả người dân, cộng đồng vùng thiên tai, thảm họa, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; trao đổi kinh nghiệm khắc phục hậu quả của thiên tai, thảm họa; đề ra phương án chủ động ứng phó.
Các ý kiến thống nhất khẳng định, để nâng cao hiệu quả ứng phó trước thảm họa, các quốc gia tăng cường hợp tác, tăng đầu tư nguồn lực, thường xuyên trang bị kỹ năng chủ động ứng phó cho người dân.