Chính trị

Công tác phòng ngừa tội phạm trên một số lĩnh vực còn có mặt chưa đạt yêu cầu

Đình Hiệp 21/11/2023 - 10:40

Năm 2023, số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế được phát hiện nhiều hơn 11,69%, số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện nhiều hơn 51,63%. Công tác phòng ngừa tội phạm trên một số lĩnh vực còn có mặt chưa đạt yêu cầu

toan-canh.jpg
Phiên họp Quốc hội sáng 21-11.

Số vụ phạm tội về trật tự xã hội tăng 18%

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, sáng 21-11, Đại tướng Tô Lâm (Bộ trưởng Bộ Công an) trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023.

Đáng lưu ý, trong năm qua, đối với công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, Chính phủ tiếp tục thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập của người dân.

to-lam.jpg
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày báo cáo.

Đặc biệt, triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp nhằm kiềm chế sự gia tăng của tội phạm về trật tự xã hội; tổ chức tấn công, trấn áp quyết liệt các loại tội phạm; tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm đạt 81,61%. Trong đó, án rất nghiêm trọng đạt 93,2%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,62%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Tuy nhiên, số vụ phạm tội về trật tự xã hội tăng 18%, trong đó nhiều loại tội phạm tăng cao và có xu hướng phức tạp trở lại.

Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thời gian tới, tập trung phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân tham gia công tác bảo vệ an ninh trật tự. Tiếp tục tăng cường đấu tranh các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm công nghệ cao; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự...

Báo cáo công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao tại kỳ họp do Viện trưởng Lê Minh Trí trình bày cho thấy, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp và tăng so với năm 2022, xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới.

Trong đó, có một số vụ án về kinh tế, tham nhũng, chức vụ với tính chất nghiêm trọng, phức tạp, có tổ chức, gây hậu quả đặc biệt lớn đã được phát hiện và khởi tố trên cả nước. Cụ thể, toàn ngành Kiểm sát phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đấu tranh, phát hiện, khởi tố mới 98.466 vụ án hình sự (tăng 20,4% so với năm 2022).

le-minh-tri.jpg
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí trình bày báo cáo.

Viện trưởng VKSND Tối cao cho biết, dự báo thời gian tới, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm trên không gian mạng, tội phạm phi truyền thống; các tranh chấp dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại, kể cả có yếu tố nước ngoài ngày càng phức tạp, đa dạng. Trong khi đó, một số quy định của pháp luật trong các lĩnh vực này còn chưa hoàn thiện, còn một số bất cập.

Xét xử nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng

Báo cáo về công tác của các tòa án tại kỳ họp, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo được các tòa án tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, theo tinh thần không có vùng cấm và không có ngoại lệ.

nguyen-hoa-binh.jpg
Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày báo cáo.

Trong đó, các tòa án đã tổ chức xét xử nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng gây ra thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội rất quan tâm. Các tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước; đã tuyên thu hồi tiền và tài sản trong nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng.

Báo cáo tóm tắt công tác thi hành án năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thông tin, năm 2023, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được duy trì và thực hiện có hiệu quả trên tất cả lĩnh vực, trong đó có rà soát, hệ thống hóa văn bản pháp luật về thi hành án dân sự.

Đến nay, việc rà soát các văn bản trong lĩnh vực thi hành án dân sự cơ bản được hoàn thiện, trên cơ sở đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp chủ động trong việc xây dựng Luật Đấu giá tài sản để làm rõ tính đặc thù của bán đấu giá tài sản trong thi hành án; có ý kiến đối với nhiều vấn đề lớn trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng… Kết quả thi hành án dân sự đạt tỷ lệ 83,24% số vụ việc thi hành; số việc thi hành án chuyển kỳ sau còn nhiều, các khoản thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng chưa cao.

Cần chú trọng phòng ngừa tội phạm

Báo cáo thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, năm 2023, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp vừa bảo đảm phát triển kinh tế, ổn định đời sống người dân và đấu tranh có hiệu quả đối với vi phạm pháp luật và tội phạm.

le-thi-nga.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra.

Trong đó, lực lượng công an đã triển khai nhiều biện pháp để phát hiện, xử lý nhanh chóng những điểm nóng; kịp thời truy bắt các đối tượng khủng bố, chống chính quyền nhân dân. Đồng thời, xử lý nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp. Chủ động tham gia tích cực cùng các cơ quan, tổ chức hữu quan đề ra và thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.

Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với nhiều nhận định, đánh giá của Chính phủ về công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm.

Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng tổng thể chung, tội phạm gia tăng về số vụ, số người chết và thiệt hại về tài sản do tội phạm gây ra chứng tỏ công tác phòng ngừa tội phạm trên một số lĩnh vực còn có mặt chưa đạt yêu cầu.

dai-bieu-2.jpg
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp sáng 21-11.

Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án và thực hiện chế định Thừa phát lại, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, năm 2023, hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự có nhiều chuyển biến tích cực.

Kết quả thi hành xong về việc và về tiền đều tăng; các vụ án về kinh tế, tham nhũng đã thu tăng trên 4.415 tỷ đồng (27,62%) so với cùng kỳ; công tác phối hợp tổ chức thi hành nghĩa vụ tài sản đối với phạm nhân tại các trại giam đạt kết quả tích cực.

Tuy nhiên, số lượng án có điều kiện thi hành tồn đọng chuyển kỳ sau còn ở mức cao; việc thu hồi khoản nợ cho các tổ chức tín dụng còn chậm, kết quả thi hành xong thấp hơn so với cùng kỳ…