Luận đàm thời sự

Hiệu ứng gần, tác động xa

Đại sứ Trần Đức Mậu 21/11/2023 - 07:18

Bên lề Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2023 được tổ chức ở San Francisco (Mỹ), Mỹ và Philippines đã ký kết thỏa thuận về hợp tác hạt nhân dân sự.

Thỏa thuận này được gọi đơn giản là Thỏa thuận 123, ám chỉ liên hệ tới Chương 123 trong đạo Luật Năng lượng hạt nhân của Mỹ. Nội dung chính của thỏa thuận là Mỹ sẽ chuyển giao công nghệ và cung ứng chất liệu để giúp Philippines có năng lượng hạt nhân sử dụng vào mục đích dân sự.

Cho tới nay, Mỹ đã ký kết thỏa thuận tương tự như thế này với 23 đối tác trên thế giới, trong đó có Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và cả với Đài Loan (Trung Quốc).

Về việc sử dụng năng lượng hạt nhân từ các nhà máy điện hạt nhân, trên thế giới hiện có 2 luồng quan điểm trái ngược nhau. Có những quốc gia chủ trương giảm dần hoặc cấm sử dụng năng lượng hạt nhân vì lo ngại về rủi ro an toàn.

Luồng quan điểm thứ hai cho rằng cần phải sử dụng năng lượng hạt nhân để bảo đảm an ninh năng lượng và giảm sử dụng những nguồn năng lượng gây tổn hại đến khí hậu trên trái đất. Bên cạnh đó, vấn đề hạt nhân nói chung xưa nay vẫn luôn rất nhạy cảm, phức tạp về chính trị, an ninh thế giới và khu vực.

Ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vấn đề hạt nhân, bao gồm cả việc sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích dân sự hòa bình lẫn mục tiêu quân sự và an ninh càng thêm phức tạp, nhạy cảm về nhiều phương diện, bởi có thế trận đối phó hạt nhân giữa Ấn Độ và Pakistan, có vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, có bất hòa giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc.

Ở đây còn có liên minh an ninh giữa Mỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như có thỏa thuận Aukus giữa Mỹ với Anh và Australia, mà nội dung cốt lõi là Mỹ và Anh chuyển giao công nghệ chế tạo tàu ngầm hạt nhân cho Australia.

Bởi vậy, Thỏa thuận 123 nói trên động chạm không chỉ tới mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Philippines mà còn tới cả tình hình chính trị, an ninh và quan hệ quốc tế ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hiện tại lẫn lâu dài.

Thỏa thuận trên phản ánh mức độ và chất lượng mới trong mối quan hệ giữa Mỹ và Philippines, giúp cho mối quan hệ đồng minh quân sự chiến lược truyền thống này thêm bền chặt và tin cậy. Nó làm tăng mức độ quan trọng của Philippines trong chiến lược của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nó báo hiệu hai nước này sẽ đồng hành nhịp nhàng hơn trong ứng phó với các bước đi và toan tính của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.

Thỏa thuận 123 được Mỹ và Philippines đàm phán và ký kết khá chóng vánh. Nguyên nhân là sự tương đồng nhận thức và nhu cầu ở cả hai phía.

Tổng thống đương nhiệm của hai nước, ông Joe Biden ở Mỹ và ông Ferdinand Marcos ở Philippines có khác biệt cơ bản với những người tiền nhiệm của họ về quan điểm kiến tạo và thúc đẩy quan hệ song phương.

Philippines cần năng lượng hạt nhân và dùng Thỏa thuận 123 với Mỹ để ràng buộc Mỹ chặt hơn vào mối quan hệ với Philippines, nâng cao vị thế của Philippines trong chiến lược chung và hành động cụ thể của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Mỹ muốn tranh thủ Philippines, không muốn Philippines dựa dẫm vào cường quốc hạt nhân khác, đặc biệt là Trung Quốc và kể cả Pháp, để có được các lò phản ứng hạt nhân và nhà máy điện hạt nhân mới.

Sau này chưa biết thế nào, chứ hiện tại thì Mỹ đã hơn hẳn tất cả các cường quốc hạt nhân khác trên thế giới trong việc chơi cái gọi là “con bài hạt nhân” ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cả hiệu ứng gần lẫn tác động xa đều rất đáng kể đối với Mỹ và Philippines.