Tiếp tục xem xét giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong năm 2024
Đối với doanh nghiệp, việc giảm 2% mức thuế giá trị gia tăng (VAT) sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm; giúp sản phẩm của doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh, tăng tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ và mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Hỗ trợ 15,6 nghìn tỷ đồng thuế VAT
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, chiều 20-11, trình bày Tờ trình tóm tắt về Dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế VAT, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh sự cần thiết đề xuất giải pháp giảm thuế VAT.
Theo đó, năm 2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đã đề ra giải pháp giảm thuế VAT 2% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 10% từ ngày 1-2-2022 đến hết 31-12-2022.
Năm 2023, trước khó khăn của nền kinh tế, Quốc hội tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT đến hết ngày 31-12-2023. Giải pháp giảm thuế VAT cùng với các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí khác tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, qua 4 tháng thực hiện (tháng 7 đến tháng 10-2023), chính sách giảm thuế VAT đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 15,6 nghìn tỷ đồng.
Để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội thời gian tới, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị cần triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành trong năm 2023 cho năm 2024. Đồng thời, tiếp tục xem xét giảm thuế VAT 2% và xem xét giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu như đã áp dụng năm 2023; tiếp tục rà soát giảm mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước; giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí.
Về đánh giá tác động, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, dự kiến số giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 4,175 nghìn tỷ đồng/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng đầu năm 2024 thì tương đương khoảng 25 nghìn tỷ đồng.
Báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban nhất trí với sự cần thiết ban hành chính sách để đồng hành cùng Chính phủ trong các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Một số ý kiến không nhất trí với việc tiếp tục ban hành chính sách giảm thuế VAT trong năm 2024 nhằm ứng phó với các khó khăn tại thời điểm nền kinh tế chịu nhiều tác động tiêu cực do diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Về thời gian áp dụng chính sách, dự thảo Nghị quyết quy định thời gian áp dụng giảm thuế VAT từ ngày 1-1-2024 đến hết ngày 30-6-2024. Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí về thời gian áp dụng chính sách giảm thuế như dự thảo để phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách trong bối cảnh hiện nay, như ý kiến của Chính phủ tại Báo cáo đánh giá tác động
Nên áp dụng dài hạn, thay vì chỉ 6 tháng
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) cho rằng, giảm thuế VAT có lợi trực tiếp, nhưng người dân cũng có thể chịu ảnh hưởng gián tiếp sau này khi nguồn thu ngân sách không bảo đảm, dẫn tới kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước bị ảnh hưởng.
Theo đại biểu, để phân tích một cách tổng thể, có một nghiên cứu đánh giá thì mới có thể có ý kiến được. Không thể cảm tính là nên giảm hay không nên giảm được một số ngành hàng, người dân thì thích giảm thuế trước mắt vì mua được hàng giá rẻ và kích cầu, nhưng chính sách kích cầu thì sẽ tăng thêm được bao nhiêu GDP, không thể giảm thuế mãi.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Quang Huân cũng cho rằng nếu áp dụng thì nên áp dụng dài hạn hơn, thay vì chỉ 6 tháng.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho biết, tờ trình chưa phân tích một cách thuyết phục hiệu quả tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, tiêu dùng nhờ chính sách giảm thuế VAT. Chỉ số tăng ở mức bán lẻ trong 4 tháng của năm 2023 nhờ áp dụng chính sách còn chưa rõ. Do đó, đề nghị cần làm rõ hơn tăng mức bán lẻ hàng hóa của năm 2023 còn kém hơn năm 2022 có phải do chính sách giảm thuế mới chỉ áp dụng trong 6 tháng, trong khi năm 2022 áp dụng cho cả 11 tháng hay không?
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần xem xét kỹ hơn để đánh giá việc giảm thuế có tác động như thế nào với ngân sách các địa phương và đây có phải nguyên nhân khiến một số chỉ tiêu về kinh tế của năm 2023 không hoàn thành hay không, nhất là chỉ tiêu về GDP. Đồng thời, đề nghị việc tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế VAT cần rà soát kỹ các nhóm hàng hóa, dịch vụ được áp dụng, không nhất thiết phải áp dụng giống danh mục hàng hóa, dịch vụ như áp dụng trong năm 2022 và 6 tháng cuối năm 2023.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn Cà Mau) đề nghị Quốc hội xem xét cho tiếp tục giảm thuế VAT cho cả năm 2024.
Đại biểu cho biết, việc giảm thuế này là điều đáng mừng nhưng trong đó có một số doanh nghiệp khi ký kết hợp đồng với các cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước 10% hóa đơn đầu vào, khi chính sách áp dụng còn 8%, làm ảnh hưởng đến đến nguồn thu của doanh nghiệp. Vì thế, mong các cơ quan ban hành hướng dẫn các địa phương để hướng dẫn thanh toán 2% giá trị hợp đồng như chính sách đã ban hành.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để xây dựng báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý các nội dung về việc giảm thuế VAT trình Quốc hội xem xét thông qua.
Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.