Năm 2023: Xuất khẩu rau quả dự kiến đạt hơn 5 tỷ USD
Bộ NN&PTNT thông tin, từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt hơn 4,9 tỷ USD, tăng 78,4% so với cùng kỳ năm trước.
Các thị trường nhập khẩu rau quả chính của Việt Nam là: Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan. Trong đó, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt trên 2,75 tỷ USD, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Hà Lan tăng 50%, Hàn Quốc tăng 21%, Nhật Bản tăng 6%. Trung Quốc đang là thị trường lớn, chiếm 65% thị phần xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Trong nhóm hàng rau quả xuất khẩu, nhiều loại trái cây bứt phá ngoạn mục. Cụ thể, sầu riêng đạt 1,8 tỷ USD, chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu; mít, xoài, nhãn, bưởi, dưa hấu của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hà Lan tăng mạnh từ 45-150% so cùng kỳ năm trước.
Bộ NN&PTNT dự báo, năm 2023, xuất khẩu ngành hàng rau quả có thể đạt trên 5 tỷ USD. Tuy nhiên, để xuất khẩu rau quả bền vững, các doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng đến vấn đề chất lượng, hạn chế tối đa tình trạng gian lận mã số vùng trồng, ảnh hưởng đến thương hiệu rau quả Việt Nam xuất khẩu; xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, đáp ứng đầy đủ quy định về kiểm dịch từ các thị trường nhập khẩu.
Đáng chú ý, trong 10 tháng vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra gần 3.900 cảnh báo về an toàn thực phẩm đối với hàng nông sản, thực phẩm nhập khẩu, trong đó có 55 cảnh báo đối với nông sản, thực phẩm từ Việt Nam. Con số này đã giảm khoảng 15% so với năm 2022.
Rau quả là nhóm hàng bị cảnh báo nhiều nhất với 23 trường hợp. Theo các quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh, cứ 6 tháng một lần, EU rà soát tất cả doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm. Nếu chấp hành tốt các quy định, EU sẽ giảm tần suất kiểm tra, giảm quy định, thủ tục đối với nông sản, thực phẩm Việt Nam nhập vào.
Bộ NN&PTNT khuyến cáo, để xuất khẩu rau quả bền vững các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm rõ những quy định để kịp thời điều chỉnh sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn mới ở các thị trường.