Lấy sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm của Hà Nội
Sau một thời gian làm việc khẩn trương, Báo cáo tổng hợp quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với dung lượng hơn 1.000 trang đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.
Nhiều nội dung chính của báo cáo thu hút sự quan tâm đặc biệt của các chuyên gia, nhà khoa học, sẽ được thể hiện trong các tham luận hoặc được trao đổi, góp ý, đề xuất tại Hội thảo khoa học do Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội tổ chức trong ngày mai (21-11).
Phát huy hiệu quả nguồn lực bồi tụ từ “ngàn năm văn hiến”
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đại diện đơn vị đứng đầu liên danh tư vấn lập đề án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, Báo cáo tổng hợp Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nêu bật 5 quan điểm phát triển Thủ đô.
Trong đó, quan điểm hàng đầu là xây dựng Hà Nội thực sự là Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, phát triển bền vững, bao trùm, giàu về kinh tế, đẹp về cảnh quan và kiến trúc; ngang tầm với thủ đô các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; là biểu tượng của tinh hoa văn hóa Việt Nam, là động lực phát triển của miền Bắc và cả nước; nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.
Bốn quan điểm còn lại cũng hết sức đáng chú ý như: Phân bố không gian phát triển hợp lý, hài hòa, gắn kết chặt chẽ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa với đô thị hóa, giữa đô thị và nông thôn; kinh tế đô thị là động lực chủ yếu; sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm của thành phố.
Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh; đảm bảo an toàn tuyệt đối về quốc phòng, an ninh trong mọi tình huống, trật tự xã hội và an toàn cuộc sống. Tích cực chủ động hội nhập quốc tế, mở rộng các hoạt động đối ngoại, quảng bá hình ảnh Thủ đô thanh bình, thịnh vượng, thành phố kết nối toàn cầu.
Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông và hạ tầng số, hạ tầng khoa học công nghệ; sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, bảo đảm môi trường tự nhiên xanh, sạch, đẹp và hấp dẫn; ưu tiên cải thiện môi trường.
Trên cơ sở đánh giá, dự báo các yếu tố tác động đến phát triển Hà Nội, gồm bối cảnh quốc tế và khu vực, bối cảnh phát triển của đất nước và vùng, cùng dự báo phát triển dân số, báo cáo mô phỏng 3 kịch bản phát triển kinh tế cho Hà Nội, gồm kịch bản thuận lợi, kịch bản nỗ lực và kịch bản cơ sở.
Qua phân tích từng kịch bản, các đơn vị tư vấn đề xuất lấy kịch bản nỗ lực làm phương án để xác định định hướng và mục tiêu phát triển thời kỳ đến năm 2030 bởi tính khả thi cao nhất. Đây là phương án phát triển trong điều kiện có nhiều định hướng đột phá về nhiều mặt. Bối cảnh quốc tế và trong nước có những thuận lợi và thách thức đan xen.
Theo kịch bản này, GRDP bình quân đầu người cũng như toàn bộ các tiêu chí hoàn thành công nghiệp hóa, Thủ đô Hà Nội có khả năng hoàn thành sớm hơn so với mốc thời gian 2030 khoảng 4-5 năm, tức vào năm 2025-2026.
5 trụ cột, 4 khâu đột phá phát triển Thủ đô
Bốn khâu đột phá phát triển Thủ đô Hà Nội được báo cáo đưa ra gồm đột phá về thể chế và quản trị; về kết cấu hạ tầng; về nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo và đột phá về đô thị, môi trường và cảnh quan.
Trong đó, khâu đột phá đầu tiên nhấn mạnh đến nội dung tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ doanh nghiệp và nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tạo thể chế thuận lợi, cơ sở pháp lý vững chắc, đẩy mạnh trao quyền cho chính quyền Thủ đô thực hiện các cơ chế đặc thù, vượt trội về tài chính, ngân sách, đầu tư, quy hoạch, đất đai, quản lý trật tự xây dựng, giao thông, môi trường, dân cư, tổ chức bộ máy, biên chế...
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội lựa chọn các ngành quan trọng cho phát triển kinh tế Thủ đô giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050, gồm: Thương mại - dịch vụ và du lịch; công nghiệp - xây dựng và nông nghiệp. Trong đó, thương mại - dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn, mắt xích quan trọng gắn kết nông nghiệp, công nghiệp của cả vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước.
Trong phát triển công nghiệp - xây dựng, Hà Nội ưu tiên các ngành công nghiệp phần mềm; công nghiệp cơ điện tử, chip bán dẫn; chế biến dược liệu; hóa dược - mỹ phẩm và công nghệ sinh học. Nông nghiệp phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sinh thái, trải nghiệm gắn với giáo dục; phát triển và bảo tồn các sản phẩm truyền thống.
Cấu trúc không gian phát triển của Thủ đô trong giai đoạn đến năm 2030 được đề xuất gồm 5 không gian phát triển: Không gian số; không gian văn hóa; không gian ngầm; không gian xây dựng và không gian xanh, công cộng.
5 hành lang kinh tế gồm: Hành lang kinh tế phía Đông Thủ đô; hành lang kinh tế Đông Bắc Thủ đô; hành lang kinh tế Bắc Nam; hành lang kinh tế Tây Bắc và vành đai kinh tế là sự kết hợp giữa vành đai 4 và vành đai 5 trên địa bàn Thủ đô.
Thủ đô Hà Nội cũng được xác định 5 trục động lực phát triển gồm: Trục sông Hồng; trục hồ Tây - Sơn Tây - Ba Vì; trục Nhật Tân - Nội Bài; trục hồ Tây - Cổ Loa và trục liên kết phía Nam (trục liên kết vùng).
Trục sông Hồng là một trong những điểm nhấn của đồ án Quy hoạch Thủ đô khi được định hướng trở thành không gian văn hóa, kinh tế, sinh thái, biểu tượng cho Thủ đô Hà Nội trong quá trình gia nhập các Thủ đô toàn cầu.
5 vùng kinh tế - xã hội gồm: Vùng trung tâm; vùng Bắc sông Hồng; vùng Tây Nam Thủ đô; vùng phía Nam Thủ đô và vùng phía Bắc Thủ đô.
5 vùng đô thị gồm Đô thị trung tâm; thành phố phía Tây; vùng đô thị Sơn Tây - Ba Vì; thành phố phía Bắc và Đô thị phía Nam.
Hệ thống đô thị Hà Nội đến 2030 và tầm nhìn 2050 sẽ tổ chức theo mô hình: Đô thị trung tâm, các trục đô thị hướng tâm, các chùm đô thị là trung tâm vùng và tiểu vùng kết nối với đô thị trung tâm.
Tại mỗi khu vực phát triển đô thị, đảm bảo hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế xã hội đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu giao thông, tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội, nhất là yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu, dịch vụ giáo dục có chất lượng…
Trên cơ sở mô hình phát triển hệ thống đô thị, không gian đô thị được xây dựng theo từng giai đoạn để xác định phương án nâng cấp đô thị kết hợp với tổ chức triển khai đầu tư xây dựng theo yêu cầu đặc thù của Thủ đô Hà Nội.
Theo đó, các đơn vị tư vấn nhấn mạnh một số khu vực đô thị được phát triển theo mô hình “Thành phố thuộc Thủ đô” với các cơ chế, chính sách đặc thù dành cho Thủ đô, gồm: Thành phố Khoa học - Đào tạo (thành phố phía Tây) tại khu vực Hòa Lạc; thành phố sân bay (thành phố phía Bắc), gồm một phần Đông Anh, một phần Mê Linh quanh sân bay Nội Bài và huyện Sóc Sơn; nghiên cứu phát triển thành phố du lịch (Sơn Tây - Ba Vì); hình thành thành phố phía Nam tại khu vực Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức khi xây dựng sân bay thứ 2 vùng Thủ đô.
Tổng vốn đầu tư ước từ 11,5-13,6 triệu tỷ đồng
Theo phương án tăng trưởng và cơ cấu kinh tế đã lựa chọn, căn cứ trên thực tiễn huy động và sử dụng vốn đầu tư trên địa bàn Thủ đô Hà Nội cũng như tính khả thi về huy động vốn đầu tư, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho thời kỳ 2021-2030, để hiện thực hóa các mục tiêu quy hoạch ước cần 11,5-13,6 triệu tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021-2025 cần khoảng 3,1-4 triệu tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là khoảng 8-9 triệu tỷ đồng.
Trên cơ sở đó, báo cáo nêu các giải pháp về nguồn lực thực hiện Quy hoạch, huy động vốn đầu tư, phát triển nguồn nhân lực; giải pháp về môi trường, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; về cơ chế, chính sách phát triển liên kết.