Quân đội Israel tấn công khu vực phía Nam Dải Gaza: Nguy cơ khủng hoảng nhân đạo thêm nghiêm trọng
Với phương châm “tiến tới bất cứ nơi nào có sự hiện diện của Hamas”, các lực lượng Israel đã sẵn sàng cho một cuộc tiến công mới vào phía Nam Dải Gaza.
Động thái mới này sẽ khiến cuộc khủng hoảng nhân đạo trong khu vực đứng trước nguy cơ càng trầm trọng hơn.
Trong những ngày gần đây, nhiều dấu hiệu cho thấy, Israel chuẩn bị triển khai một cuộc tấn công trên bộ vào phần phía Nam Dải Gaza. Những dấu hiệu của một đợt tấn công mới càng thể hiện rõ trên thực địa, nhất là khi Israel đang thả truyền đơn cảnh báo người Palestine rời khỏi một số khu vực phía Nam Gaza, trong đó có thị trấn Khan Younis. Theo phản ánh từ dân cư địa phương, truyền đơn cảnh báo dân thường sơ tán, nêu rõ bất kỳ ai ở gần những "kẻ khủng bố hoặc vị trí của chúng" sẽ khiến tính mạng của họ gặp nguy hiểm.
Ngày 19-11, theo Hãng tin Aljazeera, Israel tấn công các khu vực phía Nam Dải Gaza, khu vực sơ tán của hàng triệu thường dân Palestine. Nhiều người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công riêng biệt diễn ra tại trại tị nạn al-Nusairat và một trại tị nạn khác. Nhiều ngôi nhà cũng đã bị san bằng trong các cuộc không kích tại thị trấn Khan Younis.
Diễn biến tại Gaza khiến dư luận thế giới hơn bao giờ hết càng lo lắng về những tác động, đặc biệt là tới số phận dân thường. Theo truyền thông quốc tế, việc Israel một lần nữa thúc giục sơ tán sẽ buộc hàng trăm nghìn người Palestine từng chạy trốn về phía Nam phải di dời một lần nữa. Số này kết hợp cùng với cư dân của Khan Younis, khoảng hơn 400.000 người, chắc chắn làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo vốn đã nghiêm trọng.
Trong khi đó, các cơ quan cứu trợ không thể cung cấp thực phẩm, nước uống và chăm sóc y tế cho người dân, vì gián đoạn liên lạc và thiếu nhiên liệu, thiếu những biện pháp ngăn chặn việc cho phép các nguồn cứu trợ nhân đạo đi vào Gaza. Vấn đề sẽ trở nên trầm trọng hơn nếu dân thường tiếp tục bị dồn vào những khu vực nhỏ hơn, làm gia tăng thiệt hại gián tiếp của xung đột Israel - Hamas.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã bày tỏ quan ngại về tình hình dịch bệnh lây lan ở Dải Gaza, trong bối cảnh đã ghi nhận hơn 70.000 ca nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, 44.000 ca tiêu chảy - cao hơn nhiều các mức dự báo. Theo các chuyên gia y tế, mùa mưa trong khu vực đã bắt đầu và nguy cơ xảy ra lũ lụt gây quá tải cho hệ thống thoát nước ở những khu dân cư đông đúc. Việc thiếu nhiên liệu buộc các trạm bơm nước thải và nhà máy khử muối phải đóng cửa, làm tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước và bùng phát dịch bệnh.
Trong khi đó, bom đạn khiến năng lực cung cấp các dịch vụ y tế trong khu vực tiếp tục bị bóp nghẹt. Theo Văn phòng điều phối nhân đạo Liên hợp quốc (OCHA), hơn một nửa số bệnh viện và gần 2/3 trung tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu ở Dải Gaza đã ngừng hoạt động kể từ khi xảy ra xung đột. Trong các ngày 18 và 19-11 (giờ Việt Nam), dưới áp lực của Israel, hàng trăm bệnh nhân, nhân viên y tế và người sơ tán đã buộc phải rời Bệnh viện al-Shifa - bệnh viện lớn nhất tại Dải Gaza, tạo ra một cảnh tượng hỗn loạn. Hiện nay, những ngôi trường và bệnh viện do Liên hợp quốc vận hành là nơi người sơ tán bấu víu, nhưng lại thiếu thốn vật tư, gián đoạn di chuyển và liên lạc do thiếu nhiên liệu, trong khi thường xuyên phải đối mặt rủi ro từ các cuộc không kích.
Diễn biến đáng ngại tại Gaza khiến cộng đồng quốc tế không khỏi lo lắng. "Hạ nhiệt" tại Dải Gaza là đề tài xuất hiện trong nhiều cuộc tranh luận của các nguyên thủ quốc gia trong tuần này. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng vừa thông qua nghị quyết mới, trong đó kêu gọi ngừng bắn, thiết lập hành lang nhân đạo khẩn cấp và mở rộng trên khắp Dải Gaza với đủ số ngày nhằm tạo điều kiện cho việc tiếp cận nhân đạo đầy đủ, nhanh chóng, an toàn và không bị cản trở. Nghị quyết này, do Malta soạn thảo, đã được sự ủng hộ của 12 trong số 15 thành viên Hội đồng Bảo an. Ngay tại Israel trong chiều 18-11, hàng trăm người Do Thái và Arab đã tập trung tại Công viên Charles Claure ở Tel Aviv, yêu cầu chấm dứt chiến tranh.
Trong bối cảnh phức tạp hiện tại, các bên liên quan cần hết sức kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, và sớm nối lại đàm phán giải quyết bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình. Xuyên suốt tiến trình này, việc tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, bảo đảm an toàn và các lợi ích chính đáng của thường dân… luôn phải được ưu tiên hàng đầu.