Kinh tế

Tháng Khuyến mại thành phố Hà Nội 2023: Kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp

Thanh Hiền 20/11/2023 - 06:25

Với hàng loạt chương trình ưu đãi, khuyến mại, giảm giá, Tháng Khuyến mại thành phố Hà Nội 2023 đã, đang góp phần đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, kết nối quảng bá hàng Việt, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố Hà Nội, nhất là trên lĩnh vực thương mại - dịch vụ.

tieu-dung.jpg
Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm tại “Lễ hội mua sắm Hà Nội - HaNoi Shopping Festival”, tháng 10-2023. Ảnh: Đỗ Tâm

Người tiêu dùng hào hứng

Với hàng loạt các sự kiện điểm nhấn, Tháng Khuyến mại Hà Nội năm 2023 tiếp tục góp phần đẩy mạnh kết nối giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng, kích cầu dịp cuối năm. Đây cũng là lễ hội mua sắm lớn nhất trong năm để người tiêu dùng có nhiều trải nghiệm thú vị.

Với mức khuyến mại sâu, các "điểm vàng" triển khai chương trình "Ngày vàng giá shock" năm 2023 đã thu hút rất đông người tiêu dùng Thủ đô đến tham quan, mua sắm. Đẩy xe đầy ắp thực phẩm và hàng hóa thiết yếu đến quầy thanh toán tại siêu thị Big C Thăng Long, chị Nguyễn Lan Hương (trú tại ngõ 25 phố Trung Kính, quận Cầu Giấy) hào hứng chia sẻ: “Với điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, các chương trình khuyến mại lớn cuối năm đặc biệt ý nghĩa với người tiêu dùng. Nguồn hàng tại siêu thị dồi dào, phong phú, đa dạng chủng loại, việc thanh toán cũng nhanh chóng, thuận lợi, không phải chờ đợi quá lâu”.

Cũng lựa chọn được nhiều mặt hàng thiết yếu đang được khuyến mại hấp dẫn tại siêu thị BRG Mart Ngọc Khánh (quận Ba Đình), bà Lê Anh Tú (trú tại phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) nói: “Nhiều chương trình khuyến mại giảm giá sâu đã hỗ trợ, san sẻ gánh nặng chi tiêu với người tiêu dùng, nên chúng tôi mua được nhiều sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu hằng ngày của gia đình”.

Là đơn vị chủ trì chương trình Tháng Khuyến mại Hà Nội 2023, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội Bùi Duy Quang cho hay, sau 2 tuần đầu, hầu hết các doanh nghiệp tham gia chương trình đều tăng doanh số 20%-30% so với trước thời điểm triển khai. Các mặt hàng thiết yếu, hàng tiêu dùng, thực phẩm, đồ gia dụng thu hút được sự quan tâm của người dân.

“Một số doanh nghiệp đã chủ động kết hợp với Ban Tổ chức thiết kế các khu quảng bá mặt hàng khuyến mại, đưa ra những chương trình khuyến mại bài bản. Đặc biệt, các doanh nghiệp tham gia chương trình Tháng Khuyến mại Hà Nội không đặt nặng vấn đề doanh thu, lợi nhuận, mà đặt mục tiêu được người tiêu dùng biết đến thương hiệu lên hàng đầu”, ông Bùi Duy Quang thông tin.

Ghi nhận từ phía các doanh nghiệp, sau sự kiện “Ngày vàng giá shock” tiếp nối vào 2 ngày cuối tuần 11, 12-11 tại 50 "điểm vàng" mua sắm, ước tính lượng khách và đơn hàng tăng mạnh, trung bình từ 62% đến hơn 150% tùy vào ngành nghề kinh doanh. Tiêu biểu như tại tại hệ thống BRG Mart từ đầu tháng 11 đến nay, doanh thu tăng trưởng hơn cùng kỳ năm 2022 và cùng kỳ tháng 10-2023 khoảng 60%. Riêng 2 "ngày vàng" mức tăng ước đạt khoảng 120% so với cùng kỳ năm 2022. Các đơn vị điện máy cũng ghi nhận mức tăng doanh thu trung bình 150%. Đặc biệt, MediaMart Hai Bà Trưng, MediaMart Thanh Xuân có mức tăng tới gần 300%.

Đặt kỳ vọng vào thị trường nội địa

Thị trường trong nước đang được coi là điểm sáng của nền kinh tế khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng 9,4% trong 10 tháng của năm 2023. Tại các hệ thống siêu thị, các chương trình khuyến mãi diễn ra liên tục trong từng tuần, từng tháng và có nhiều chính sách đặc biệt để giúp kích cầu tiêu dùng.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin, từ nay đến cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ngành Công Thương thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kích cầu đi đôi với bình ổn thị trường. Sở đã chỉ đạo các doanh nghiệp chuẩn bị lượng hàng phục vụ dịp lễ, Tết với tổng giá trị ước tính khoảng 40.900 tỷ đồng để phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân. Cùng với việc kiểm soát cung cầu, bảo đảm ổn định giá cả hàng hóa, Sở cũng sẽ chuẩn bị phương án để bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh, kiểm soát thị trường dịp trước, trong và sau Tết.

Sở Công Thương Hà Nội đã, đang vận động các đơn vị bán lẻ tăng chiết khấu ưu đãi, chia sẻ chiết khấu và chi phí khác để giảm áp lực tăng giá bán; tổ chức các chương trình khuyến mại kéo dài hơn, giảm giá sâu hơn, nhất là vào những tháng thấp điểm tiêu dùng. Bên cạnh đó, các chương trình kết nối cung cầu giữa thành phố Hà Nội với các địa phương trong những tháng cuối năm được tổ chức để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường, mở rộng kênh phân phối.

Đặc biệt, thành phố khuyến khích các hệ thống phân phối tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển mạnh thương mại điện tử trong lưu thông, phân phối hàng hóa; tổ chức các chương trình, sự kiện mua sắm trực tuyến... “Trước những khó khăn của thị trường xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp, ngành hàng đang đặt kỳ vọng lớn vào thị trường nội địa trong năm 2023”, bà Trần Thị Phương Lan cho biết.

----------

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan:
Tận dụng cơ hội gia tăng sức mua

ykien-tran-thi-phuong-lan.jpg

Trước những áp lực ngày càng lớn đối với việc giữ ổn định giá cả hàng hóa thiết yếu trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ngành Công Thương Hà Nội đang tích cực triển khai nhiều nhóm giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, kích cầu tiêu dùng. Cụ thể, Sở Công Thương vận động các hệ thống phân phối - bán lẻ tham gia chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ mùa mua sắm cuối năm; phối hợp các doanh nghiệp phân phối - bán lẻ xây dựng kế hoạch bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Đồng thời, ngành Công Thương sẽ tận dụng các cơ hội gia tăng sức mua, như Black Friday, lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán…, phát động chương trình khuyến mại, công bố sớm và đầy đủ, chi tiết thông tin để doanh nghiệp chủ động tham gia.

Thông qua các chương trình kích cầu nội địa, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tăng khá, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế Thủ đô.

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội Bùi Duy Quang:
Hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ hàng Việt

ykien-bui-duy-quang.jpg

Các hoạt động khuyến mại không chỉ góp phần bảo đảm cân đối cung - cầu thị trường, giúp người tiêu dùng mua sắm hàng hóa với giá cả hợp lý, mà còn là giải pháp thúc đẩy tiêu dùng nội địa, khẳng định thị trường nội địa là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế.

Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, tồn kho tăng, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng..., ưu tiên kích cầu tiêu dùng nội địa được coi là giải pháp quan trọng để bù đắp cho tăng trưởng từ nay đến cuối năm 2023. Tháng Khuyến mại Hà Nội 2023 là giải pháp hiệu quả để khơi thông thị trường dịp mua sắm cuối năm. Sự kiện “Hà Nội Online Shopping Festival” là điểm nhấn trong khuôn khổ Tháng Khuyến mại nhằm thúc đẩy hoạt động tiêu dùng không tiền mặt trên bàn Thủ đô. Các hoạt động khuyến mại dịp cuối năm đã góp phần đẩy mạnh các hoạt động phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng tổng mức bán lẻ và cân đối cung cầu trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội Đỗ Tuệ Tâm:
Chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng hàng hóa

ykien-do-tue-tam.jpg

Những năm gần đây, Tháng Khuyến mại Hà Nội đã trở thành chương trình trọng điểm trong năm của hệ thống BRG Mart/Hapromart. Đơn vị đã làm việc trước với các nhà cung cấp để có được mức giá và nguồn hàng tốt nhất. Bên cạnh mức giảm của nhà cung cấp, hệ thống siêu thị BRG Mart/Hapromart còn triển khai mức giảm riêng, vừa hỗ trợ người tiêu dùng vừa tạo lợi thế cạnh tranh. Để thu hút khách hàng, chúng tôi đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hàng hóa, bảo đảm chất lượng, nguồn gốc với hơn 1 triệu sản phẩm giảm giá từ 20% đến trên 50%, thậm chí một số mặt hàng giảm sâu đến hơn 70%.

Các sự kiện khuyến mại được đổi mới, nâng cao chất lượng, cùng các chương trình xúc tiến thương mại gắn với đẩy mạnh xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam sẽ góp phần giúp Hà Nội đạt được mục tiêu kết nối hiệu quả giữa sản xuất và tiêu thụ, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, tăng trưởng về doanh thu, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; góp phần hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng năm 2023 và giai đoạn 2021-2025 của thành phố.

Hiền Thanh ghi