Tiên phong trong chuyển đổi số
Thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp từ năm 2016, Hợp tác xã (HTX) Rau quả sạch Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, được xem là đơn vị tiên phong trong ứng dụng công nghệ số vào canh tác.
Nhờ chuyển đổi số, HTX không chỉ quản lý được dịch bệnh trên cây trồng mà còn kiểm soát được chất lượng sản phẩm, cho giá trị kinh tế cao.
Khi nông dân làm chủ công nghệ
Nói về những ngày đầu khi HTX thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, ông Hoàng Văn Thám, Giám đốc HTX Rau quả sạch Chúc Sơn cho biết, từ năm 2016, HTX đã tìm hiểu và thực hiện chuyển đổi số trong 2 lĩnh vực: Ứng dụng Trạm cảnh báo thời tiết iMetos và Cụm công nghệ eGap trên 17,8ha trồng rau, củ, quả. Theo đó, Trạm cảnh báo thời tiết iMetos giúp nông dân quản lý, giám sát sản xuất, điều chỉnh kế hoạch xuống giống, quy trình chăm sóc rau kịp thời khi thời tiết biến động. Ngoài ra, công nghệ số eGap giúp HTX thực hiện việc truy xuất nguồn gốc điện tử cho từng hộ trồng rau, từng thửa ruộng rau.
Để thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi số, HTX đã hỗ trợ 50% giá trị một chiếc điện thoại thông minh để 100% thành viên ghi chép nhật ký chăm sóc đồng ruộng (ngày xuống giống, bón phân sinh học, chăm sóc cây...). Cùng với đó, các thành viên được tập huấn, hướng dẫn truy cập vào các trang dự báo thời tiết hằng ngày và tuần từ trạm iMetos; thực hiện đúng quy trình chụp ảnh toàn bộ quy trình sản xuất của hộ gửi về hệ thống cập nhật dữ liệu của HTX.
Năm 2021, Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số tiếp tục hỗ trợ HTX tiếp tục thí điểm hoàn thiện quy trình chuyển đổi số đồng bộ trong sản xuất và phát triển chuỗi cung ứng ra thị trường, kết nối tiêu thụ trên 2 sàn thương mại điện tử Kinhpeec/vn và Cadosa.vn có xác nhận chất lượng eGap trên tem nhãn sản phẩm. Dữ liệu của các hộ được thường xuyên cập nhật vào hệ thống phần mềm in tem của HTX để đảm bảo mỗi bó rau khi được dán tem sẽ thể hiện toàn bộ quy trình sản xuất cơ bản, bằng hình ảnh của từng hộ với từng loại rau. Toàn bộ hệ thống truy xuất nguồn gốc được số hóa và gắn với hệ thống eGapvn của Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam, bảo đảm có sự giám sát minh bạch cho từng mã hộ và mã sản phẩm rau của Chúc Sơn.
"Mỗi sản phẩm của HTX được xây dựng một quy trình chuẩn để có thể số hóa. Đến nay, HTX đã số hóa được 15 sản phẩm, bao gồm 7 sản phẩm rau ăn lá, 5 sản phẩm rau gia vị và 3 loại rau quả (cà chua, dưa chuột, dưa lưới). Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, rau quả của HTX được thị trường đón nhận tích cực. Hiện, HTX cung ứng gần 2 tấn rau quả sạch/ngày cho 4 bệnh viện, 2 hệ thống siêu thị lớn là Big C và T-mart, cùng 15 cửa hàng tiện ích và 11 trường học" ông Hoàng Văn Thám cho biết thêm.
Nhân rộng mô hình chuyển đổi số
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, vấn đề đặt ra là sản lượng và chất lượng sản phẩm rau của HTX chưa ổn định để cung ứng cho các đối tác. Tình trạng được mùa, mất giá và ngược lại vẫn ảnh hưởng đến sự vận hành của HTX... Để khắc phục tình trạng trên, HTX Rau quả sạch Chúc Sơn sẽ hoàn thiện chuỗi sản xuất khép kín, đầu tư thêm nhà chế biến, máy sấy lạnh để nâng cao chất lượng rau quả cung ứng cho thị trường, đặc biệt là ứng dụng công nghệ số để tạo giá trị gia tăng và minh bạch sản phẩm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Nói về hiệu quả của HTX Rau quả sạch Chúc Sơn trong việc tiên phong ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp đã thay đổi nhận thức của người dân trong sản xuất. Hiện nay, HTX Rau quả sạch Chúc Sơn là đơn vị tiên phong của Hà Nội đưa công nghệ số vào sản xuất rau sạch. Nhờ đó, HTX kiểm soát được quy trình sản xuất rau, hạn chế sâu bệnh và có mã truy xuất nguồn gốc nên người tiêu dùng dễ dạng nhận diện được sản phẩm bán trên thị trường.
"Để nhân rộng những mô hình HTX ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp giống như cách làm của HTX Rau quả sạch Chúc Sơn, các sở, ngành tham mưu cho Thành phố có thêm chính sách "khuyến nông số"; hỗ trợ đầu tư trang thiết bị công nghệ tối thiểu nhằm xây dựng các mô hình ứng dụng thực tiễn tốt. Ngoài ra, cần có cơ chế, chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao, khuyến khích đưa kỹ sư nông nghiệp, hoặc các ngành nghề phù hợp, về làm việc để nâng cao năng lực quản trị cho các HTX" - bà Vũ Thị Hương đề xuất ý kiến.