Nâng cấp "cần câu" để vượt qua thách thức
Năm 2021, khi dịch Covid-19 lên đến đỉnh điểm, người dân cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, đã có hàng trăm ngàn người lao động tìm đường về quê.
Hình ảnh những người nhập cư ùn ùn rời thành phố trên chiếc xe máy cũ, hành trang mang theo là túi đựng đồ cá nhân sơ sài cho thấy phần nào cuộc sống của những người lao động xa quê. Sau đại dịch Covid-19, khó khăn càng đè nặng lên đời sống của rất nhiều người lao động xa quê, đặc biệt là người lao động đơn giản, tay nghề thấp khi làn sóng cắt giảm lao động gia tăng.
Theo thống kê mới đây của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong nửa đầu năm 2023, hơn nửa triệu người lao động bị mất việc hoặc phải giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động. Đáng chú ý, đợt cắt giảm lao động này cho thấy, những người có tay nghề thấp đang rất yếu thế trong cuộc cạnh tranh tìm cơ hội việc làm. Đặc biệt, khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ, máy móc dần thay thế con người trong nhiều phần việc, đe dọa vị trí việc làm của không ít lao động giản đơn, chưa qua đào tạo.
Lâu nay, Việt Nam được biết đến như là quốc gia có lợi thế về nguồn lao động trẻ, dồi dào, giá nhân công rẻ... Tuy nhiên, đây không còn là lợi thế của Việt Nam trong Cách mạng công nghiệp 4.0. Để ứng phó với làn sóng mất việc, đặc biệt là đối với những người lao động trình độ thấp, việc nâng cao chất lượng, kỹ năng nghề cho người lao động đang trở thành yêu cầu cấp thiết. Điều này cần bắt đầu từ việc coi trọng đào tạo lao động trẻ theo yêu cầu ứng dụng công nghệ mới, đào tạo lại hoặc nâng cao tay nghề, trình độ cho lao động có tuổi, lao động giản đơn bị mất việc, giúp họ tiếp tục tham gia vào thị trường lao động...
Nâng cấp “chiếc cần câu” chính là giải pháp thiết thực nhất để người lao động tay nghề thấp có đủ điều kiện nắm bắt cơ hội việc làm, cải thiện thu nhập và từ đó vượt qua thách thức từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.