Nông nghiệp

Cơ hội cho nông nghiệp Thủ đô bứt phá

Nguyễn Dung ghi 19/11/2023 - 06:42

Việc chuyển đổi số trong nông nghiệp hiện đang được nhiều địa phương, doanh nghiệp, người dân tích cực thực hiện nhằm nâng cao năng suất, tăng giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường.

Hà Nội Ngày nay ghi lại ý kiến của đại diện các địa phương, doanh nghiệp đã và đang thực hiện chuyển đổi số thành công.

Ông Bùi Công Thản - Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín:
Cơ hội thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ

yk-than.jpg

Thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện Thường Tín luôn quan tâm thực hiện nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế nhanh, bền vững.

Thành tựu khoa học và công nghệ từng bước được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực sản xuất và đời sống của người dân, doanh nghiệp; bước đầu hình thành vùng sản xuất tập trung, cánh đồng lớn theo hướng công nghệ cao, có năng suất, chất lượng và sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường... Chuyển đổi số trong sản xuất không những góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sức cạnh tranh, mà còn là cơ hội để thay đổi tư duy sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún kém hiệu quả, thiếu chuỗi liên kết sang nền nông nghiệp tiên tiến. Nhờ đó, đến nay, huyện đã hình thành được 1.745ha vùng sản xuất lúa chất lượng cao, 545ha vùng sản xuất rau an toàn, 130ha vùng sản xuất cây ăn quả chuyên canh giá trị kinh tế cao; 146,77ha vùng sản xuất hoa, cây cảnh. Nhờ đưa công nghệ cao, kỹ thuật số vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, huyện đã hình thành được 15 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 14 chuỗi liên kết chăn nuôi, có 166 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm đạt yêu cầu của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), qua đó nâng cao thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt từ 66 - 68 triệu đồng/người/năm. Ngoài ra, hiện nay, một số doanh nghiệp đã hỗ trợ nông dân thực hiện các giải pháp chuyển đổi số, giải pháp phục vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (nhà lưới, nhà kính, hệ thống chiếu sáng, truy xuất nguồn gốc, IoT...) và nhờ đó, nhiều mô hình nông nghiệp trên địa bàn huyện cho giá trị kinh tế cao.

Ông Nguyễn Mạnh Hồng - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát (huyện Thanh Trì):
Ứng dụng chuyển đổi số để kiểm soát chất lượng, nâng cao giá trị sản xuất

yk-hong.jpg

Từ năm 2016, được sự hỗ trợ của UBND huyện Thanh Trì, hợp tác xã Đức Phát đã trồng rau thủy canh theo công nghệ Israel trên diện tích 2.600m2. Chúng tôi đã ứng dụng công nghệ thông minh, tự động hóa trong quá trình sản xuất như: Hệ thống lưới “cắt nắng” tự động cảm biến nhiệt độ, hệ thống quạt đối lưu không khí, hệ thống bơm tự động, hệ thống cấp dinh dưỡng và thu hồi dinh dưỡng tuần hoàn cũng được triển khai và lắp đặt, đưa vào sử dụng. Nhờ áp dụng công nghệ sản xuất mới, những loại rau, quả trái vụ được nuôi trồng trong mô hình nhà lưới đều đem lại năng suất cao, như rau cải các loại, rau muống, cà chua, dưa lưới... Đặc biệt, giữa mùa hè cũng có thể trồng các loại rau mà trước đây không trồng được, điển hình như các loại cải mơ, cải mèo... Ngoài ra, trong quá trình sinh trưởng của cây rau, ngoài việc theo dõi, tỉa lá già, lá úa, ngày nào tôi cũng kiểm tra dinh dưỡng, quan sát sự phát triển của chúng trên hệ thống phần mềm quản lý từ chiếc điện thoại, từ đó điều chỉnh cho phù hợp. Nhờ đó, trồng rau thủy canh trong nhà lưới ít xảy ra sâu bệnh hại so với trồng rau truyền thống. Hiện sản phẩm rau của hợp tác xã cung cấp cho các bếp ăn tập thể, trường học trên địa bàn, mỗi năm cho thu nhập từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.

Ông Hoàng Mạnh Ngọc - Giám đốc Công ty cổ phần giống gia cầm Ngọc Mừng (huyện Đông Anh):
Giúp kiểm soát tốt chất lượng con giống

yk-ngoc.jpg

Công ty cổ phần giống gia cầm Ngọc Mừng hiện đang chăn nuôi 35.000 con gà bố mẹ, tại đây, chủ trang trại ứng dụng công nghệ thông tin, nhiều phần việc có thể kiểm soát thông qua điện thoại thông minh. Bên cạnh đó, dây chuyền thức ăn chăn nuôi bán tự động được vận hành bởi công nhân đã giúp rút ngắn thời gian lao động, tăng hiệu quả sản xuất. Trên điện thoại của tôi hiện cũng có nhiều phần mềm với các chế độ điều chỉnh và xử lý mọi công đoạn trong quản lý và điều hành nên dù đi xa tôi cũng không lo về đàn gà ở nhà. Việc ứng dụng công nghệ còn giúp giảm chi phí đầu vào, giảm nhân công, từ đó tăng thu nhập, kịp thời phát hiện những bất thường về dịch bệnh trên đàn gà để xử lý.

Thêm nữa, hệ thống trang trại của công ty được đầu tư xây dựng theo công nghệ chăn nuôi khép kín sử dụng điều chỉnh nhiệt bằng điện. Đặc biệt, hệ thống xử lý chất thải để không gây ô nhiễm môi trường cũng được tôi đầu tư rất cẩn thận và khoa học, chuồng trại luôn sạch sẽ. Nhờ áp dụng công nghệ trong quản lý đàn gà giống mà công ty đã cung cấp một lượng lớn giống gà chất lượng cao cho thị trường.