Điểm nóng

Gaza thiệt hại nặng nề do xung đột

Thương Nguyệt 18/11/2023 - 15:47

Cuộc tấn công trên bộ, trên biển và trên không của Israel nhằm vào Dải Gaza đã gây ra biến động và tàn phá vùng lãnh thổ này ở quy mô chưa từng thấy. Dưới đây là những thống kê thiệt hại mới nhất kể từ xung đột bùng phát hồi đầu tháng 10.

Trích dẫn dữ liệu từ bộ phận nhà ở và công trình công cộng của Palestine, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) thuộc Liên hợp quốc cho biết, các cuộc tấn công của Israel đã phá hủy hoặc gây hư hại hơn 263.000 ngôi nhà, tương đương khoảng 45% ngôi nhà ở Dải Gaza.

Tình trạng mất thông tin liên lạc thường xuyên ở Dải Gaza gây khó khăn cho việc xác minh độc lập những thống kê thiệt hại về nhà cửa. Tuy nhiên, các phóng viên tác nghiệp tại vùng chiến sự xác nhận mức độ tàn phá ở quy mô lớn.

Không thể xác minh độc lập các con số, nhưng các phóng viên Reuters ở Gaza cho biết mức độ tàn phá ở quy mô rất lớn. Tại Beit Hanoun, thị trấn từng là nơi sinh sống của hơn 52.000 người trước khi xung đột nổ ra, hầu như không còn tòa nhà nào trong trạng thái nguyên vẹn.

cosovatchatgaza.jpg
Dải Gaza bị tàn phá nặng nề do xung đột giữa Israel và Hamas. Ảnh: Reuters

Báo cáo ngày 15-11 của OCHA cho thấy, 279 cơ sở giáo dục (tương đương 51%) tại Dải Gaza đã bị hư hại. Toàn bộ 625.000 học sinh ở vùng lãnh thổ này không thể tiếp cận môi trường giáo dục.

Theo Bộ Y tế Gaza, tính đến ngày 16-11, chỉ 9 trong số 35 bệnh viện ở Dải Gaza duy trì hoạt động một phần. Những bệnh viện còn lại đều đã ngừng mọi dịch vụ y tế chính thức do cạn kiệt nguồn cung vật tư y tế và nhiên liệu. 55 xe cứu thương cũng bị hư hại trong các đợt tấn công của Israel.

Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA) thông báo, 70% người dân ở miền Nam Dải Gaza không được tiếp cận với nước sạch. Nhà máy khử mặn nước biển tại thành phố Khan Younis đang hoạt động cầm chừng ở mức 5% công suất. Ở phía Bắc, một nhà máy tương tự và đường ống dẫn nước từ Israel không hoạt động.

Phần lớn trong số 65 máy bơm nước thải tại Dải Gaza đã ngừng hoạt động, khiến nước thải chưa quả xử lý bắt đầu tràn ra đường phố ở một số khu vực.

Ở khu vực phía Bắc Dải Gaza, toàn bộ các cửa hàng bánh đều đóng cửa kể từ ngày 7-11 do thiếu nhiên liệu, nước, bột mì hoặc bị hư hại. Nhà máy cuối cùng còn hoạt động ở vũng lãnh thổ này cũng đã bị phá hủy vào ngày 15-11.

nguoidangaza.jpg
Chiến sự căng thẳng tác động đến cuộc sống của người dân tại vùng lãnh thổ đầy biến động. Ảnh: Reuters

Trước xung đột, Dải Gaza tiếp nhận trung bình 500 xe tải thực phẩm và hàng hóa mỗi ngày. Sau khi Hamas tấn công vào lãnh thổ Israel, hoạt động này đã bị đình trệ và chỉ được nối lại vào ngày 21-10. Từ thời điểm này đến ngày 14-11, tổng cộng 1.139 xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo đã được phép tiếp cận người dân.

Ngày 16-11, các dịch vụ viễn thông của Gaza đã ngừng hoạt động do cạn nhiên liệu máy phát điện. OCHA cho biết, một số cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc ở phía Nam Dải Gaza đã bị tấn công và hư hại hai ngày trước đó.

Việc mất điện gây nguy hiểm đến những nỗ lực hỗ trợ dân thường. Do liên lạc bị cắt nên UNRWA không thể quản lý hoặc điều phối các đoàn xe viện trợ nhân đạo từ ngày 17-11.

Báo cáo chung, Ủy ban Kinh tế và Xã hội Tây Á của Liên hợp quốc (ESCWA) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho thấy, khoảng 390.000 việc làm đã bị ảnh hưởng.

Tình hình kinh tế và xã hội tại Dải Gaza vốn đã rất tồi tệ trước xung đột, với tỷ lệ nghèo ước tính lên tới 61% ở năm 2020. Theo ước tính sơ bộ, các cơ quan của Liên hợp quốc lo ngại tỷ lệ này ​​sẽ tăng từ 20% đến 45% tùy theo diễn biến của xung đột, đồng thời dự báo vùng lãnh thổ này sẽ thiệt hại từ 4% đến 12% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023.