Chính trị

Phải xây dựng cơ chế đặc thù tương xứng trong việc thu hút, trọng dụng nhân tài của Thủ đô

Mai Hữu 18/11/2023 12:00

Rất nhiều nhân tài của cả nước về Thủ đô để học tập, cống hiến với môi trường cạnh tranh cao; cần có “sân chơi” để họ cống hiến cho Thủ đô với những quy hoạch chiến lược, vị trí việc làm, đãi ngộ cụ thể.

hanoi1.jpg
Các thủ khoa xuất sắc năm 2023 được thành phố Hà Nội tuyên dương.

Xây dựng cơ chế đặc thù tương xứng thu hút, trọng dụng nhân tài

Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định đối tượng thu hút, chế độ đãi ngộ nhân tài như tuyển dụng không qua thi tuyển, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo; được đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại đơn vị sự nghiệp công lập...

Tán thành với quy định về chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài được nêu trong dự thảo Luật, song, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Vương Quốc Thắng đưa ra quan điểm, để phát huy hết “nguyên khí” của “hiền tài” đưa Thủ đô trở thành thành phố “văn hiến - văn minh - hiện đại”, “trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng”, phải xây dựng cơ chế đặc thù tương xứng, cụ thể và khả thi trong việc thu hút, trọng dụng nhân tài của Thủ đô.

Theo đó, ông Vương Quốc Thắng cho rằng, bên cạnh các chính sách ưu đãi về xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức; ký hợp đồng làm việc hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập, được ký hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, y tế, giáo dục với chế độ đãi ngộ phù hợp... cần bổ sung và cụ thể hóa các chính sách ưu đãi về thu nhập, bao gồm tiền lương và các thu nhập ưu đãi ngoài tiền lương, các ưu đãi hoặc hỗ trợ về chỗ ở, phương tiện đi lại, chăm sóc y tế cho người tài và một số lượng nhất định người thân của người tài đó.

“Nếu chỉ dừng lại ở những ưu đãi nhất định trong tương quan của khu vực công lập như quy định tại dự thảo Luật hiện nay sẽ rất khó cạnh tranh và giữ chân người hiền tài gắn bó với khu vực công”, đại biểu Vương Quốc Thắng nói.

hanoi2.jpg
Thực hành mô phỏng hóa tại Phòng học công nghệ 4.0 của Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội.

Cần có “sân chơi” để nhân tài cống hiến

Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Trần Thị Thu Đông cho rằng, nội dung cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài chưa thể hiện được tính phân hóa trong nhu cầu thu hút nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở các khu vực khác nhau (công - tư) hay ở các lĩnh vực khác nhau (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội; khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng…) và vẫn chủ yếu dựa vào những mô tả trừu tượng như “có tài năng đặc biệt”, có “phẩm chất, trình độ, năng lực vượt trội”…

“Rất khó để đánh giá các mô tả này ngoài việc dựa chủ yếu vào bằng cấp của ứng viên thuộc diện xem xét. Ngoài ra, các nội dung của dự thảo Luật mới chỉ đề cập sơ lược về tuyển dụng, thu hút nhân tài mà chưa quy định về các cách thức sử dụng nhân tài sau khi được tuyển dụng; chưa thể hiện rõ chế độ thù lao dành cho ứng viên tài năng, chất lượng cao; chưa thể hiện được tính tự chủ của chính quyền Thủ đô nói chung và về thu hút nhân tài nói riêng”, bà Trần Thị Thu Đông nêu quan điểm.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu hút và phát triển nhân tài, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam Nguyễn Văn Thân đề xuất cần có Quỹ phát triển nhân tài nhằm tận dụng nguồn lực chất lượng cao của cả thế hệ trẻ và đối tượng đã về hưu.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Nguyễn Minh Đức nhận định, đối với cơ chế sử dụng, thu hút nhân lực chất lượng cao, cần có đánh giá đầy đủ về quy định này. “Rất nhiều nhân tài của cả nước về Thủ đô để học tập, cống hiến với môi trường cạnh tranh cao; cần có “sân chơi” để họ cống hiến cho Thủ đô với những quy hoạch chiến lược, vị trí việc làm, đãi ngộ cụ thể”, ông Nguyễn Minh Đức nói.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đề nghị bổ sung quy định về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, sử dụng, bổ nhiệm nhân tài sau khi đã vào làm việc trong hệ thống. Ngoài việc ban hành các chính sách thu hút nhân tài thì chính quyền thành phố Hà Nội cũng cần quan tâm, có biện pháp chủ động tìm kiếm nhân tài hoặc đào tạo, bồi dưỡng phát triển nhân tài từ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện có để đáp ứng nhu cầu của địa phương.

Điều 17 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định về “Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”:

- Công dân Việt Nam có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực vượt trội và kinh nghiệm thực tiễn đang làm việc trong các lĩnh vực, ở trong nước, ở ngoài nước có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô được hưởng các ưu đãi về tuyển dụng không qua thi tuyển, xếp lương, bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo, quản lý, điều kiện làm việc, phát triển năng lực.

- Người có tài năng đặc biệt được ký hợp đồng làm việc hoặc được đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư thuộc thành phố Hà Nội.

- Người nước ngoài có trình độ chuyên môn cao; nhiều kinh nghiệm thực tiễn; có công trình hoặc sản phẩm đã được nghiệm thu, công nhận, ứng dụng đem lại hiệu quả cao thì được ký hợp đồng làm việc để thực hiện một số nhiệm vụ trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, y tế, giáo dục với chế độ đãi ngộ phù hợp do HĐND thành phố Hà Nội quy định.