Văn hóa

Họa sĩ Đặng Tin Tưởng: Được vẽ là hạnh phúc

Bài và ảnh: Phú Xuyên 18/11/2023 - 08:34

Họa sĩ Đặng Tin Tưởng là người dấn thân. Dù có lúc sức khỏe giảm sút, nhưng ông vẫn giữ vững tinh thần để chung thủy với con đường ông đã lựa chọn, đặc biệt là dòng tranh sơn khắc.

Ông thường vừa đi thực tế vừa vẽ, có lúc vẽ liên tục như chạy đua với thời gian. Với ông, được vẽ, được đắm chìm trong không gian của màu, sơn và cọ vẽ đó là hạnh phúc.

dang-tin-.jpg
Họa sĩ Đặng Tin Tưởng.

Đắm đuối với dòng tranh sơn khắc

Với dòng tranh sơn khắc Việt Nam, Đặng Tin Tưởng có một phong cách đặc biệt. Ông gây chú ý bởi sự phong phú về bút pháp và khả năng thay đổi bố cục một cách thông minh, hợp lý. Có một thời gian dài, không nhiều người quan tâm đến thể loại này, thì Đặng Tin Tưởng vẫn trung thành với con đường mình đã chọn, sáng tạo nên những tác phẩm tốt.

Tranh sơn khắc là tranh tả nét, thể hiện trên tấm vóc sơn mài đã được đánh bóng, hình khắc chìm với độ sâu bằng nhau rồi được tô màu làm nổi bật hình tượng. Do đó, khi phủ sơn, người ta phải phủ từ 15 - 20 lớp để đạt độ dày từ 5mm trở lên. Tranh sơn khắc sau khi khắc nét sẽ dùng chất liệu bột màu hoặc sơn dầu để thể hiện các phần lõm trên tranh. Nhưng bột màu được vẽ trực tiếp vào lớp vóc, vốn có độ thấm hút cao, nên tác phẩm không bền.

Đặng Tin Tưởng nghĩ ra cách ủ vóc sau khi khắc. Kỹ thuật này đòi hỏi phải khéo léo, để làm sao sau khi ủ thì mặt vóc vẫn nhẵn. Ông cũng sử dụng đa chất liệu để tạo hiệu quả khác nhau khi tạo nền cho tranh khắc.

Là người cầu toàn, Đặng Tin Tưởng luôn cầu kỳ trong khâu làm vóc sơn. Ông chia sẻ: “Tôi phải đặt thợ làm màu nền cho tác phẩm, tùy theo yêu cầu nội dung của tranh. Có thể nói tôi đã phá vỡ thói quen cố hữu là màu nền tranh lúc nào cũng phải màu đen để tăng thêm sức biểu cảm của tác phẩm”.

Nhờ những nỗ lực cá nhân, Đặng Tin Tưởng có được nhiều tác phẩm đồ sộ về các danh thắng, kiến trúc cổ, được đánh giá cao như “Xuân đất Việt”, “Non nước Hạ Long”, “Đền Ngọc Sơn”... hay các tác phẩm về quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước ta, như “Công trường xây dựng”, “Cảng than Cửa Ông”, “Lòng núi Ngọc sông Đà”...

Đặc biệt, “Xuân đất Việt” là bức tranh khổ lớn mà Đặng Tin Tưởng đã dành rất nhiều công sức nhằm tổng kết một giai đoạn sáng tác với thủ pháp đồng hiện. Nhìn vào đó, người ta thấy hình ảnh của các kiến trúc, địa danh trên toàn quốc, cảm nhận được phong tục đặc trưng của mỗi vùng miền.

Họa sĩ Nguyễn Quân đánh giá: “Tranh sơn khắc gần với tranh mỹ nghệ, nhưng nhờ sức nặng hiện thực và tình cảm nâng niu, tôn thờ di sản cha ông mà Đặng Tin Tưởng đã sáng tác ra nhiều tác phẩm hội họa độc đáo. Đặng Tin Tưởng xứng đáng là một “thương hiệu” sơn khắc đáng tin cậy của hội họa Thủ đô”.

Còn nghệ nhân Trần Thành Đạt ở làng nghè sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín, Hà Nội), chia sẻ: “Quá trình làm tranh sơn khắc, từ ý tưởng, phác thảo đến lúc hoàn thành có khi kéo dài cả năm trời. Chẳng hạn, riêng công khắc bức tranh khổ nhỏ thường tôi làm cả ngày lẫn đêm thì mất 2 ngày, phối màu mất 3 ngày... Vậy mà ông Tưởng đã làm được những bức khổ lớn với một sự tận tâm, công phu, tỉ mỉ mà ít ai làm được".

Do yêu cầu ngặt nghèo, tranh sơn khắc Việt Nam xưa được các họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương và Mỹ thuật Gia Định thực hiện với số lượng không nhiều. Còn hiện nay, một số họa sĩ trẻ theo dòng sơn khắc đã đi vào các chi tiết vụn vặt, không có hồn nhưng Đặng Tin Tưởng đã khắc phục được hạn chế ấy. Ông quan tâm nhiều đến mảng và biết cách “chỉ đạo” đường nét để tạo nên sức mạnh cho chúng.

Ngoài dòng tranh sơn khắc, họa sĩ Đặng Tin Tưởng còn sáng tác bằng chất liệu acrylic. Đến nay, ông có hàng chục tác phẩm với chất liệu này. Đặc biệt, bức “Điện Biên Phủ trên không” kích thước 171x420cm, sáng tác từ 2012 - 2014, là tác phẩm ông tâm đắc nhất vì đã thể hiện trọn vẹn tinh thần Thăng Long ngàn năm, tinh thần quật cường của cả dân tộc.

Những bước ngoặt bất ngờ

Họa sĩ Đặng Tin Tưởng sinh năm 1945, gốc Hải Dương, từ trẻ đã say mê vẽ tranh cổ động. Ông cũng tham gia vẽ tại nhiều trận địa ở Thủ đô Hà Nội trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Ông vẽ tranh khắc gỗ, in đá, in kính, thể nghiệm kỹ thuật đồ họa khác nhau trên cơ sở ghi chép tỉ mỉ về các “đề tài mũi nhọn” khi đó là đời sống sản xuất và chiến đấu của công, nông, binh.

Năm 1967, ông được cử đi học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Sau khi tốt nghiệp, ông được giữ lại làm cán bộ tổ chức, nửa năm sau chuyển sang làm xuất bản, sau đó lại được nhà trường xin về làm công tác giáo vụ.

Ở thời điểm nào Đặng Tin Tưởng cũng hào hứng và say mê sáng tác. Tác phẩm của ông có mặt trong hầu khắp các bộ sưu tập của Bảo tàng quốc gia và tư nhân. Từ năm 2000, do thị lực giảm, ông chuyển sang một ngã rẽ khác, sáng tác tranh phong cảnh và đời sống sinh hoạt bằng acrylic trên toan và giấy dó. Họa sĩ chia sẻ, dù vẽ theo phong cách nào thì tình yêu hội họa trong ông cũng không hề giảm. Chuyển đề tài hay chuyển phương thức thể hiện cũng chỉ là cách để ông làm mới mình.

Những năm gần đây, Đặng Tin Tưởng thường cùng họa sĩ Trần Lưu Hậu rong ruổi tìm kiếm cảm xúc và vẽ tại Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai). Những cảnh sinh hoạt, cuộc sống của người dân nơi đây được ông thu hết vào tầm mắt rồi chưng cất, gạn lọc và thể hiện trên tranh. Nhìn kỹ những bức họa của ông, ta thấy bạt ngàn núi với những trảng cỏ tưng bừng, vạt hoa cuồn cuộn như đang cười nói hân hoan...

Khác xa với những bức tranh khắc tỉ mỉ, cẩn trọng đến từng chi tiết, giờ đây tranh giấy dó, sơn dầu, acrylic lại bật lên hình ảnh một con người khác trong ông. Có những bức, ông phóng bút ào ạt, sắc màu tuôn chảy và tạo nên những tác phẩm trừu tượng. Cái khoáng đạt của thiên nhiên, núi rừng dường như khiến ông mở lòng hơn, để ông có thể cảm được cái “linh thần” của sự vật và chuyển tải bằng cây cọ.

Họa sĩ Đặng Tin Tưởng khẳng định, càng vẽ thì ông càng muốn vẽ nữa. Ngày đêm, ông vẫn chiêm nghiệm, tận lực lao động nghệ thuật trong ngôi nhà ở phố Chùa Láng. Ông vẽ như chạy đua với thời gian, sức lực và những ước vọng của mình. Số lượng tranh của ông trong mấy năm nay rất nhiều, đa dạng, mỗi năm có thể làm được một triển lãm.

Đặng Tin Tưởng sống chân thành, ông chưa bao giờ giấu cái mạnh và cái yếu của mình với đồng nghiệp mà luôn cầu tiến, lao động hăng say để bù đắp cho sở đoản. Câu nói, "tôi càng vẽ thì càng muốn vẽ nữa" chính là thể hiện sự khao khát tuyệt đối của ông với nghệ thuật.

Họa sĩ Đặng Tin Tưởng đã giành được nhiều giải thưởng. Bức sơn khắc “Đền thờ Nguyễn Trãi” đã đoạt Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc và Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô Hà Nội năm 1980; bức sơn khắc “Đền Ngọc Sơn trong ngày hội” đoạt Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô Hà Nội năm 1982, và giành Giải thưởng mỹ thuật nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội do Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội trao tặng...

Một số tác phẩm của ông đã được in trong "Tuyển tập Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XX", "Mỹ thuật thủ đô Hà Nội thế kỷ XX", "50 năm hội họa hiện đại Việt Nam", "Tuyển tập tranh khắc gỗ Việt Nam", "Nghệ thuật sơn mài Việt Nam"...