Văn hóa

Bảo tồn và phát huy di sản: Cần hành lang pháp lý chặt chẽ

Hoàng Lân 18/11/2023 - 07:38

Luật Di sản văn hóa được ban hành từ năm 2001, sau đó đã có một số lần được sửa đổi bổ sung nhưng vẫn có không ít di sản đang bị xâm hại. Công tác bảo tồn, phát huy còn gặp khó khăn, nhiều nội dung của Luật chưa bám sát thực tế. Dự thảo Luật Di sản sửa đổi đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục lấy ý kiến để trình Quốc hội được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý chặt chẽ hơn để bảo vệ di sản.

khu-di-san-hoang-thanh-than.jpg
Khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Nguyễn Quang

Những cảnh báo từ thực tế

Gần đây, dư luận xôn xao trước việc vùng đệm Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long (thuộc phường Quang Hanh, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) bị san lấp để thi công một khu đô thị làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của vịnh Hạ Long. Đơn vị thi công sau đó bị xử phạt vi phạm hành chính 125 triệu đồng, nhưng những hình ảnh đổ đất lấn vịnh cũng dấy lên những lo ngại về môi trường sinh thái của di sản thiên nhiên thế giới.

Không chỉ riêng di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, thời gian qua, nhiều di sản văn hóa của Việt Nam “kêu cứu” vì xuống cấp, việc trùng tu, tôn tạo không đúng cách, đúng quy định. Gần đây, Di tích lịch sử quốc gia về nghệ thuật điêu khắc đá núi Nhồi (Thanh Hóa) bị xâm hại khi các tấm bia đá khắc thơ, văn, hình tượng người bị tô nhiều màu sơn, làm biến đổi nguyên trạng ban đầu của di tích. Hay như di tích quốc gia đình Hội Thống (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) xuống cấp từ lâu, chưa được quan tâm nâng cấp, trùng tu đúng mức…

Ở lĩnh vực di sản tư liệu, Việt Nam đã có 7 di sản tư liệu được Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO ghi danh, gồm 3 di sản tư liệu thế giới, 4 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Qua 15 năm là quốc gia thành viên tham gia chương trình nhưng ở trong nước, di sản tư liệu vẫn chưa có hành lang pháp lý để bảo vệ và phát huy giá trị.

Trong khi đó, việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể cũng còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là chính sách nghệ nhân và truyền dạy để bảo tồn.

Cần bổ sung nội dung mới vào Luật Di sản

Tính đến năm 2020, Việt Nam có hơn 41.000 di tích, thắng cảnh, trong đó có hơn 4.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và hơn 9.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Với hàng chục nghìn di tích đã được xếp hạng, nhiều vấn đề phát sinh như: Xuống cấp, mất cắp, sơn vẽ không phù hợp lên công trình…

Trước nhiều vấn đề cấp thiết trong bảo vệ di sản cần phải bổ sung vào Luật Di sản sửa đổi, ngày 13-11, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị, hội thảo xin ý kiến góp ý Hồ sơ Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) thu hút sự tham gia của hơn 600 đại biểu tham gia đóng góp ý kiến. Nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung đã được đưa ra bàn thảo. Đây là lần thứ ba Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lấy ý kiến đóng góp xây dựng Luật trên quy mô lớn trên tinh thần bảo đảm có được chính sách phù hợp nhất với thực tiễn.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho biết, từ năm 2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động phối hợp xây dựng Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhằm thể chế hóa tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm “quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa”.

Theo đó, Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gồm 10 chương, 154 điều, sửa đổi nhiều điều chưa phù hợp và bổ sung những nội dung mới. Nổi bật trong dự thảo Luật Di sản sửa đổi là sẽ có nội dung liên quan đến bảo vệ, phát huy giá trị di sản tư liệu; hợp tác quốc tế về di sản văn hóa; những quy định về khuyến khích tư nhân tham gia bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, mua cổ vật từ nước ngoài hiến tặng cho Nhà nước. Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung quy định khu vực đô thị mang những giá trị tiêu biểu đặc trưng về các khía cạnh lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đối với dân cư địa phương, quốc gia.

Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền cho biết, những nội dung mới được đưa vào dự thảo Luật Di sản sửa đổi lần này sẽ bổ sung nhiều nội dung để công tác bảo tồn di sản được chặt chẽ và bám sát thực tiễn đời sống. Còn Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam thông tin, dự thảo Luật Di sản sửa đổi lần này đã đưa vào nhiều nội dung mới nhằm tạo hành lang pháp lý kín kẽ, đầy đủ để công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản được thực hiện tốt hơn.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ hoàn thiện, bổ sung nhiều nội dung quan trọng để công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản được bảo đảm. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương khẳng định, Bộ tiếp tục lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, từng bước hoàn thiện quy định của Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trình Quốc hội thời gian tới.