Nhân rộng mô hình cựu thanh niên xung phong phát triển kinh tế
Qua một năm triển khai mô hình hợp tác xã cựu thanh niên xung phong, từ hợp tác xã điểm đầu tiên, đến nay, Hội Cựu thanh niên xung phong thành phố Hà Nội đã thành lập được 7 hợp tác xã tại các quận, huyện. Các hợp tác xã hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Chia sẻ, hỗ trợ, cùng phát triển
Đông Anh là đơn vị được Hội Cựu thanh niên xung phong thành phố chọn làm điểm ra mắt Hợp tác xã Cựu thanh niên xung phong Thủ đô vào tháng 11-2022, với 51 hạng mục ngành, nghề kinh doanh. Một năm qua, Hợp tác xã đã giúp các thành viên hoàn thiện kỹ năng, nâng cao hiệu quả quản lý, sản xuất và kinh doanh; hướng tới mục tiêu hỗ trợ thành viên sản xuất đạt năng suất, hiệu quả cao, tiêu thụ sản phẩm nông sản, xây dựng thương hiệu riêng của thanh niên xung phong Đông Anh…
Cựu thanh niên xung phong Nguyễn Khắc Ba (xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh) có mô hình nuôi chim cút, với số lượng lớn. Ông Ba chia sẻ: “Mô hình nuôi chim cút bằng thức ăn tự nhiên đem lại hiệu quả kinh tế ổn định với thu nhập khoảng 50 triệu đồng/tháng. Các hộ gia đình trong huyện khi có nhu cầu học hỏi, tôi đều hướng dẫn kỹ thuật để họ nuôi thành công, phát triển tốt”.
Còn cựu thanh niên xung phong Lê Văn Hưng, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong phường Cự Khối (quận Long Biên) thành công từ mô hình trồng cây ăn quả phát triển kinh tế gia đình và cùng 24 thành viên tham gia Hợp tác xã Kinh tế cựu thanh niên xung phong quận Long Biên. Trước đây, trên diện tích 2.000m2, ông Hưng trồng ổi găng thương hiệu Đông Dư, nhãn..., cho thu nhập cao. Sau đó, thu nhập từ cây ổi găng giảm sút, ông Hưng trồng thử bưởi da xanh vào năm 2017 và bước đầu đem lại kết quả khả quan. Đến nay, gia đình ông Hưng có gần 100 gốc bưởi da xanh kết hợp với hàng chục gốc nhãn, đu đủ…. Riêng sản phẩm bưởi da xanh của ông Hưng được công nhận sản phẩm sạch, đạt chuẩn an toàn, có quả tới đâu, thương lái mua hết tới đó, tổng thu nhập đạt 200 triệu đồng/năm.
Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong quận Long Biên, Giám đốc Hợp tác xã Kinh tế cựu thanh niên xung phong quận Long Biên Nguyễn Phú Phương cho biết, hợp tác xã gồm 27 hội viên làm kinh tế giỏi của quận, với 48 ngành nghề kinh doanh, dịch vụ. Bên cạnh mô hình trồng cây ăn trái kết hợp chăn nuôi, còn có những hội viên cựu thanh niên xung phong sản xuất kinh doanh hiệu quả như sản xuất kim khí, may mặc, mộc gia dụng... “Từ 27 thành viên ban đầu đến nay, Hợp tác xã đã có thêm 5 thành viên mới tham gia, với nhiều mô hình kinh doanh, thu nhập ổn định, tạo việc làm cho hàng trăm lao động”, ông Nguyễn Phú Phương chia sẻ.
Tiếp tục phát triển và mở rộng trong toàn thành phố
Các hợp tác xã tuy mới thành lập nhưng luôn được các cấp Hội tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đồng bộ. Nhiều hợp tác xã cựu thanh niên xung phong đã trở thành điểm sáng trong phong trào “Cựu thanh niên xung phong giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”. Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong huyện Đông Anh Ngô Ích Đề thông tin, sau một năm thành lập, tổng doanh thu của các thành viên trong hợp tác xã đạt khoảng 5-6 tỷ đồng/năm. Từ hợp tác xã điểm ban đầu, Huyện hội vừa thành lập thêm Hợp tác xã Cựu thanh niên xung phong Đông Anh 1, chuyên trồng dược liệu và cây ăn trái.
Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, các cựu thanh niên xung phong đã và đang nỗ lực vượt qua khó khăn để chung tay xây dựng hợp tác xã của cựu thanh niên xung phong từng địa phương. Theo báo cáo của Hội Cựu thanh niên xung phong thành phố, mô hình hợp tác xã của cựu thanh niên xung phong đang được phát triển và mở rộng trong toàn thành phố. Đến tháng 10-2023, có 7 hợp tác xã được thành lập tại các quận, huyện: Sóc Sơn, Long Biên, Ba Vì, Thanh Trì, Hoàng Mai, Phú Xuyên. Nhờ tham gia vào hợp tác xã, các hộ sản xuất nhỏ lẻ giảm được chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, giá bán cũng như đang dần xây dựng được thương hiệu sản phẩm...
Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong thành phố Hà Nội Lê Tuấn Hùng cho biết, thời gian tới, Hội tiếp tục chỉ đạo và triển khai mô hình hợp tác xã cựu thanh niên xung phong trên cơ sở thực tế nhằm thúc đẩy phong trào cựu thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi. Trong năm 2024, Hội đặt mục tiêu thành lập thêm 10 hợp tác xã của cựu thanh niên xung phong. Đồng thời, Hội tổ chức các lớp tập huấn để thành viên tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, liên kết với doanh nghiệp trong khâu cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra, để hợp tác xã trở thành cầu nối, tạo thành một chuỗi giá trị trong sản xuất kinh doanh; tiến tới xây dựng sản phẩm thương hiệu của thanh niên xung phong.
Ngày 17-11, Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam phối hợp với Hội Cựu thanh niên xung phong thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị phát triển mô hình kinh tế tập thể cho cựu thanh niên xung phong trong thời kỳ mới. Tại hội nghị, đại diện các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học đã chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong phát triển mô hình kinh tế tập thể; đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ, huy động nguồn lực giúp hội viên Hội Cựu thanh niên xung phong thành phố Hà Nội nói riêng, Hội Cựu thanh niên xung phong cả nước nói chung có điều kiện thuận lợi để tham gia làm kinh tế thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng, đóng góp cho xã hội.