Cần làm gì để nâng cao chất lượng xe buýt ?
Những năm qua, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đã có sự cải thiện tích cực về chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, mục tiêu đáp ứng 30 - 35% nhu cầu đi lại của người dân vẫn đang là thách thức lớn.
80% hành khách hài lòng với xe buýt
Tại buổi toạ đàm "Xe buýt Thủ đô cần làm gì để nâng cao chất lượng?" do Báo Giao thông tổ chức sáng nay (17-11), ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội (HPTC) cho biết, mạng lưới vận tải công cộng Thủ đô hiện có 154 tuyến buýt, trong đó 130 tuyến trợ giá.
Sản lượng 9 tháng năm nay ước đạt được 350 triệu lượt khách, tăng 58,9% so với cùng kỳ, đáp ứng 19,5% so với nhu cầu. Từng là phương tiện chủ yếu phục vụ học sinh, sinh viên và người lớn tuổi, đến nay một bộ phận nhân viên công sở đã sử dụng xe buýt để đi làm.
Thời gian qua, các đơn vị đảm trách cung cấp dịch vụ xe buýt của thành phố đã có nhiều nỗ lực đầu tư đổi mới phương tiện. Hiện nay, Hà Nội có trên 2.000 xe buýt, có thời gian sử dụng trung bình khoảng 3,5 năm. Trong khi đó, quy định về niên hạn phương tiện của Hà Nội là không quá 20 năm.
Như vậy, đoàn phương tiện của Hà Nội có chất lượng tốt. Trong đó, 13% phương tiện sử dụng nhiên liệu "xanh". Hà Nội là một trong những thành phố đầu tiên của Đông Nam Á sử dụng phương tiện "xanh" (buýt điện), sử dụng nền tảng ứng dụng miễn phí hỗ trợ cho người đi xe buýt (busmap), camera... Chất lượng vận tải hành khách công cộng nói chung và xe buýt nói riêng của Hà Nội đứng đầu cả nước.
Đánh giá về bức tranh của xe buýt Hà Nội, PGS.TS Vũ Ngọc Khiêm, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ giao thông Vận tải cho rằng, những năm qua, vận tải hành khách công cộng trong đó có xe buýt đã hoạt động nền nếp hơn, từ số lượng tuyến, phương tiện, người sử dụng, tần suất hoạt động đến dịch vụ mà các doanh nghiệp xe buýt cung cấp.
Kết quả khảo sát do HPTC thực hiện thông qua phần mềm busmap cho thấy, tỷ lệ người dùng hài lòng với dịch vụ của Vinbus là hơn 90%, các xe buýt khác là xấp xỉ 80%. Đây là kết quả khá tích cực.
Tổng giám đốc Vinbus Nguyễn Công Nhật chia sẻ: “Hằng quý, công ty đều khảo sát 5.000 - 7.000 hành khác về lộ trình tuyến, phương tiện, thái độ của tiếp viên, chất lượng dịch vụ… Riêng trong quý gần nhất, tỷ lệ khách hàng hài lòng là 92,5%. Nhưng chúng tôi không nhìn vào con số tốt mà nhìn vào 7% chưa đạt để xem còn những vấn đề gì để cải thiện”.
Làm sao để hành khách thích vận tải công cộng?
Thành phố Hà Nội đang đặt mục tiêu đến năm 2025, vận tải hành khách công cộng đáp ứng 30 - 35% nhu cầu đi lại của người dân. Ý kiến các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp vận hành buýt đánh giá, đây là một mục tiêu đầy thách thức.
Ông Nghiêm Quốc Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho rằng, số lượng người dân đi buýt còn quá nhỏ so với gần 10 triệu người dân ở Hà Nội. Người dân không ghét phương tiện công cộng, nhưng chưa đủ thỏa đáng để họ lựa chọn thay cho sử dụng phương tiện cá nhân đi lại hằng ngày.
“Yếu tố quan trọng nhất với khách hàng bây giờ không phải giá vé mà là thời gian và thái độ phục vụ khách hàng" - Tổng giám đốc Vinbus Nguyễn Công Nhật nói.
Đề cập tới các giải pháp thu hút người dân sử dụng vận tải công cộng, Phó Giám đốc HPTC Thái Hồ Phương cho biết, đơn vị đang trình thành phố đề án sắp xếp các điểm dừng đỗ; tái cấu trúc mạng lưới, đưa thêm các loại hình vận tải công cộng khác như xe buýt nhỏ vào hoạt động; thí điểm xe đạp công cộng và ứng dụng công nghệ tạo tiện dụng trong chuyển tuyến; chính sách vé liên thông, vé điện tử…
HPTC đã có báo cáo bước 1 lên các cơ quan chức năng của thành phố để điều chỉnh 71 tuyến, nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ hành khách, nâng cao hiệu quả trợ giá. HPTC đang thành phố chờ chấp thuận và sẽ triển khai từng bước từ tháng 1-2024.
Về thẻ vé, dự kiến từ ngày 24-11, HPTC thí điểm thẻ vé liên thông, thẻ vé liên tuyến với 24 tuyến, từ đó cơ quan quản lý sẽ nắm được sản lượng chính xác từng tuyến và có biện pháp can thiệp chính sách tốt hơn.
Cũng theo ông Thái Hồ Phương, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội quyết tâm chuyển đổi số mạnh mẽ nhằm tăng tiện ích của người sử dụng dịch vụ vận tải công cộng.
Tổng giám đốc Vinbus Nguyễn Công Nhật nhấn mạnh: “Muốn xe buýt đi nhanh hơn, dịch vụ hấp dẫn hơn cần những ưu tiên về cơ chế chính sách, từ trợ giá, ưu tiên về hạ tầng... Hằng ngày, chúng ta đối mặt với ùn tắc giao thông nặng nề và ai cũng nhận ra cần sự phát triển của các phương tiện công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân. Nhưng để đạt được điều đó, cần sự đồng hành của cộng đồng, cần những giải pháp đồng bộ".