Những nhà giáo tận tâm với nhiều sáng kiến gỡ khó
Dù ở cấp học nào, bằng sự tận tâm, nhiệt huyết, hết lòng vì học sinh, các nhà giáo Hà Nội đã chủ động tìm kiếm các giải pháp, sáng kiến khắc phục khó khăn, nhất là trong triển khai nhiệm vụ mới và khó để nâng chất lượng dạy học.
Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với hơn 2.800 trường học, hơn 2,2 triệu học sinh, thách thức lớn nhất với thành phố Hà Nội là cơ sở vật chất, điều kiện dạy học ở các nhà trường còn có sự khác biệt do điều kiện kinh tế - xã hội cũng như cuộc sống của người dân ở địa bàn còn khó khăn. Dù ở cấp học nào, bằng sự tận tâm, nhiệt huyết, hết lòng vì học sinh, các nhà giáo Hà Nội đã chủ động tìm kiếm các giải pháp, sáng kiến, khắc phục khó khăn, nhất là trong triển khai nhiệm vụ mới và khó để nâng chất lượng dạy học.
Đây là các nhà giáo vừa được Hội đồng xét tặng của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trao giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ VII, nhân kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2023).
Sáng kiến đồ dùng dạy học 0 đồng
17 năm công tác trong nghề, trong đó có 4 năm giữ cương vị Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Cổ Đô (huyện Ba Vì), cô giáo Đinh Thị Út luôn trăn trở về việc làm thế nào để trang bị thêm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ trong điều kiện trường lớp còn nhiều thiếu thốn, đời sống của nhà giáo, phụ huynh còn rất nhiều khó khăn. Sáng kiến làm đồ dùng, đồ chơi tự tạo từ nguyên, vật liệu thiên nhiên sẵn có được nhen nhóm...
Sau khi nghiên cứu các tài liệu về làm đồ dùng, đồ chơi tự tạo, căn cứ vào nguồn lực của nhà trường, các nguyên, vật liệu sẵn có tại địa phương, cô giáo Đinh Thị Út phát động giáo viên thực hiện mô hình “Làm đồ dùng, đồ chơi từ nguyên, vật liệu thiên nhiên”.
Theo cô Út, nhiều năm nay, ngành Giáo dục đều phát động các trường tổ chức phong trào, hội thi tự làm đồ dùng dạy học và đồ chơi. Sau mỗi hội thi, số lượng đồ dùng, đồ chơi tăng lên rất nhiều, song hiệu quả sử dụng chưa cao. Trước thực trạng ấy, cô đã tìm ra nguyên nhân khiến sản phẩm có tính ứng dụng thấp là do việc lựa chọn nguyên, vật liệu chưa phù hợp với nhu cầu sử dụng. Từ đó, cô Út dành nhiều thời gian nghiên cứu, lập các danh mục cần làm theo nhu cầu, phác thảo từng sản phẩm có kích thước cụ thể phù hợp với từng độ tuổi, mục đích sử dụng.
Cô giáo Đinh Thị Út ưu tiên chọn lựa nguồn nguyên liệu dễ kiếm, sẵn có tại địa phương. Các sản phẩm làm ra được bảo đảm theo đúng các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Thông tư số 47/TT-BGDĐT quy định về việc lựa chọn đồ dùng đồ chơi trong các cơ sở giáo dục mầm non.
Với sự hỗ trợ tích cực của đồng nghiệp và cả phụ huynh học sinh, mô hình của cô thu được 450 khay gỗ, 75 bàn chân thấp, 180 bộ đồ chơi âm nhạc, 150 hộp đựng bút, 120 giá để tranh nhỏ, 15 bảng tuyên truyền nhóm lớp... Ngoài ra, còn có các bộ đồ chơi học tập, các dụng cụ như giá góc, kệ treo cây... được làm bằng gỗ hoặc các vật liệu dễ kiếm, chi phí thấp.
Qua thời gian thực hiện và sử dụng, hiện nay, các sản phẩm tự tạo của cô giáo Đinh Thị Út đã được ứng dụng hiệu quả. Nhiều giáo viên ở các trường thuộc huyện Ba Vì và các quận, huyện khác đã chia sẻ sáng kiến này và nhân rộng để khắc phục khó khăn về việc thiếu đồ dùng, đồ chơi...
Mô hình của cô đã đem lại những hiệu quả về kinh tế, tiết kiệm thời gian, sức lao động. Ước tính, chi phí tiết kiệm được từ việc làm các đồ dùng, đồ chơi nguyên, vật liệu thiên nhiên là khoảng 45 - 50 triệu đồng/năm. Việc triển khai mô hình còn tạo sự gắn kết giữa các đồng nghiệp; gắn kết giữa cô giáo và cha mẹ trẻ và góp phần bảo vệ môi trường.
Trường học không rác thải nhựa
Ở Trường Tiểu học Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm), cô Nguyễn Xuân Thanh, tổ trưởng chuyên môn khối 3 được đồng nghiệp, học trò nhắc đến là giáo viên có nhiều sáng kiến, nổi bật là dự án đang được học sinh hào hứng “Trường học không rác thải nhựa”. Trăn trở từ việc làm thế nào để học sinh nhỏ tuổi có thể nhận thức được những tác động của mình đến môi trường, từ đó tự giác thay đổi hành vi, năm học 2022-2023, cô giáo Nguyễn Xuân Thanh đã tự nghiên cứu và xây dựng kế hoạch triển khai dự án.
“Để có kinh phí triển khai, tôi đã tìm kiếm ở nhiều nguồn, gửi đề xuất dự án đi nhiều nơi và may mắn nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật cũng như tài chính từ một tổ chức bảo vệ môi trường. Đây là nguồn động lực rất lớn không chỉ về tài chính, mà còn về tinh thần, giúp tôi tự tin, vững tâm triển khai dự án với niềm tin là học sinh sẽ hưởng ứng tích cực”, cô giáo Thanh chia sẻ.
Sau hơn một năm thực hiện dự án “Trường học không rác thải nhựa”, lượng rác thải của nhà trường giảm đáng kể, lượng rác thải nhựa còn rất ít. Học sinh dần có thói quen phân loại rác, thu gom vỏ hộp sữa sau các bữa phụ tại trường và tại nhà để đưa đến các nhà máy tái chế. Cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh nhà trường dần hình thành thói quen giảm thiểu và không sử dụng nhựa dùng một lần. 100% học sinh nhà trường dùng bọc vở giấy thay cho bọc vở nilon…
Nội dung giáo dục về lối sống giảm nhựa và lối sống hạn chế rác của cô giáo Nguyễn Xuân Thanh được đồng nghiệp trong và ngoài quận triển khai. Sáng kiến của cô được lãnh đạo ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đánh giá tốt, có tính ứng dụng cao.
Gỡ khó cho dạy học tích hợp
Xây dựng kho học liệu số dùng chung là sáng kiến của cô giáo Hoàng Thị Vân, Trường Trung học cơ sở Định Công (quận Hoàng Mai), giúp đồng nghiệp tháo gỡ khó khăn khi dạy học các môn tích hợp.
Môn khoa học tự nhiên (gồm 3 môn vật lý, hóa học, sinh học) được đưa vào Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2021-2022 nhưng đến nay vẫn nhận rất nhiều phản hồi từ xã hội và sự lo lắng từ phía giáo viên. Đa số giáo viên chỉ được đào tạo đơn môn nên dù được bồi dưỡng, cấp chứng chỉ để giảng dạy môn khoa học tự nhiên thì hiện nay, nhiều giáo viên còn lúng túng, mất nhiều thời gian khi tìm kiếm nguồn tư liệu cho việc soạn giảng.
Trước thực tế có những kiến thức chuyên sâu của từng phân môn mà giáo viên không được đào tạo, khó có thể tìm được tư liệu hay, cô Vân nhen nhóm ý tưởng xây dựng một kho học liệu số dùng chung do chính các giáo viên trong nhóm đẩy lên. Sáng kiến xây dựng “Kho học liệu số dùng chung môn khoa học tự nhiên” trên nền tảng ứng dụng trực tuyến ra đời và ngày càng hoàn thiện, được đồng nghiệp trong tổ ứng dụng và phản hồi tích cực.
Hơn một năm triển khai, nhờ kho học liệu số, giáo viên được đào tạo 1 phân môn hay 2 phân môn có thể thực hiện giảng dạy phân môn còn lại dễ dàng, tự tin hơn và bớt áp lực. Việc học tập của học sinh cũng thuận lợi hơn, từ đó hiệu quả học tập được cải thiện rõ nét.