Quận Tây Hồ: "Điểm sáng" phát triển sản phẩm OCOP
Với hơn 40 sản phẩm tham gia vào Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), quận Tây Hồ thuộc nhóm địa phương đi đầu và là "điểm sáng" của thành phố Hà Nội trong triển khai thực hiện chương trình này.
Các sản phẩm OCOP của Tây Hồ được đánh giá cao về chất lượng, được thị trường đón nhận tích cực. Phát huy kết quả này, quận đang định hướng phát triển các sản phẩm OCOP thành đặc sản của địa phương gắn với phát triển du lịch.
8/8 phường có sản phẩm OCOP
Quận Tây Hồ vừa tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023. Tham gia đánh giá, phân hạng có 8 chủ thể, 20 sản phẩm (trong đó có 16 sản phẩm đánh giá mới; 4 sản phẩm đánh giá lại do hết thời hạn 3 năm). Có 5 chủ thể lựa chọn sản phẩm tham gia OCOP là các loại bánh truyền thống đặc trưng của quận (bánh nướng, bánh dẻo, bánh chả, bánh cốm…): Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Thanh Hương; hộ kinh doanh bánh trung thu Bảo Phương; hộ kinh doanh Thanh Vân; hộ kinh doanh Đỗ Thế Gia; hộ kinh doanh bánh trung thu Ba Thể. Ngoài ra, còn có sản phẩm trà sen Hiền Xiêm của hộ kinh doanh Lưu Thị Hiền; một số thực phẩm chế biến: Giò lụa, giò tai nấm, xúc xích, chả cốm của Công ty TNHH Thảo Nguyên Hà Nội; bò ướt tỏi, bò sấy khô của hộ kinh doanh Quân Giang Âu Cơ…
Chị Đỗ Thu Thủy, đại diện hộ kinh doanh Đỗ Thế Gia (phường Xuân La, quận Tây Hồ) chia sẻ: “Gia đình tôi có truyền thống làm bánh trung thu. Xưa kia, cụ và ông tôi làm rất nhiều loại bánh, mở cửa hiệu trên phố cổ Hà Nội. Bố tôi và các cô, chú trong gia đình vẫn đang nối nghiệp cha ông. Riêng tôi chọn phát triển một nhánh sản phẩm của gia đình là cốm và sản phẩm có thành phần từ cốm, như: Bánh nướng nhân cốm, bánh dẻo nhân cốm và bánh cốm. Tôi mong muốn đặc sản của gia đình không chỉ là thức quà ngon, mà còn mang ý nghĩa quảng bá văn hóa Hà Nội”…
Theo Giám đốc Công ty TNHH Thảo Nguyên Hà Nội (phường Quảng An, quận Tây Hồ) Nguyễn Thị Nguyên, công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại để chế biến thực phẩm. Các sản phẩm của công ty hiện được tiêu thụ rộng khắp trong nước và xuất khẩu.
Trước đó, từ năm 2019 đến năm 2022, quận Tây Hồ có 23 sản phẩm OCOP được chứng nhận. Như vậy, đến nay, Tây Hồ đã có hơn 40 sản phẩm OCOP đạt được chứng nhận của thành phố. Sản phẩm OCOP có mặt ở cả 8/8 phường của quận với các sản vật đặc trưng, như: Quất cảnh Tứ Liên, hoa đào Nhật Tân, chè sen Quảng Bá, xôi Phú Thượng, bánh trung thu, bánh chả, bánh cốm...
Phát triển OCOP gắn với du lịch
Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Tây Hồ Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, để thúc đẩy phát triển Chương trình OCOP, quận Tây Hồ đã tư vấn, hướng dẫn các tổ chức kinh tế đầu tư máy móc, trang, thiết bị phục vụ sản xuất; thiết kế bao bì, nhãn mác, hoàn thiện bộ nhận diện, từng bước nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu, hình ảnh cho các sản phẩm. Việc thường xuyên được hỗ trợ để tham gia các tuần hàng, hội chợ xúc tiến thương mại cũng là cơ hội để các đơn vị, tổ chức quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ, nâng cao giá trị kinh tế…
Còn theo Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh, địa phương luôn chú trọng và xác định Chương trình OCOP là giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và chất lượng đời sống của người dân. Hằng năm, quận đều ban hành kế hoạch cụ thể, giao nhiệm vụ chi tiết đến từng phòng, ban, UBND các phường về phát triển sản phẩm OCOP. Quận xác định mở rộng các sản phẩm OCOP, đáp ứng việc phát triển kinh tế, du lịch làng nghề trên địa bàn; giữ vững và lan tỏa những giá trị, thương hiệu, sở hữu trí tuệ nhãn hiệu tập thể làng nghề, sản vật. “Quận cũng ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP theo nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và các điểm du lịch, từ đó kết nối để tạo thành sản phẩm “Dịch vụ du lịch OCOP Tây Hồ” đạt tiêu chuẩn 4 sao”, ông Nguyễn Thanh Tịnh thông tin thêm.
Bên cạnh phát triển sản phẩm mới, quận Tây Hồ tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả của các chương trình xúc tiến thương mại; nhất là hoạt động phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội và Sở NN&PTNT Hà Nội; hỗ trợ chủ thể tiếp cận với các phương thức bán hàng hiện đại, thông qua kênh thương mại điện tử, nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, đưa sản phẩm OCOP của quận đến với đông đảo người tiêu dùng.
Việc đánh giá phân hạng mới và đánh giá lại các sản phẩm OCOP đã hết thời hạn công nhận sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sau khi đã được phân hạng, nâng tầm sản phẩm. Cách làm này cũng tạo cơ hội cho quận Tây Hồ có thêm sản phẩm OCOP để giới thiệu, quảng bá với du khách và người dân các địa phương khác.