Kinh tế

Thúc đẩy thực thi kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

Bạch Thanh 16/11/2023 - 20:40

Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2023 do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức. Diễn đàn có chủ đề “Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn”.

Ngày 16-11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã tham dự và phát biểu tại Diễn đàn kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2023 do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức. Diễn đàn có chủ đề “Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn”.

bo-tntmt33.jpg
Quang cảnh diễn đàn.

Diễn đàn là cơ hội để trao đổi và thảo luận cách tiếp cận phù hợp và cơ chế tài chính để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại các ngành, lĩnh vực từ trung ương đến địa phương, nhằm đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về biến đổi khí hậu, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, giảm ô nhiễm môi trường...

bo-tntmt3.jpg
Các đại biểu tham dự diễn đàn.

Phát biểu đề dẫn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết: Kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế hướng tới sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, tái chế chất thải, vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa đem lại hiệu quả kinh tế. Đây được coi là một “giải pháp xanh” cho nền kinh tế bền vững, một trong những nhiệm vụ quan trọng của thế giới.

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn gửi lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp. Dự thảo đã xác định 5 quan điểm chính, mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể từ nay đến 2025, đến 2030 cho thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam để thúc đẩy tiến trình chuyển dịch mô hình kinh tế theo hướng bền vững, đưa chất thải thành tài nguyên, trung hòa carbon và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Trên cơ sở đó, dự thảo đề xuất áp dụng 16 chỉ tiêu đánh giá việc thực hiện kinh tế tuần hoàn ở cấp độ quốc gia phân theo 3 nhóm, gồm: Nhóm chỉ tiêu về sử dụng hiệu quả tài nguyên, vật liệu; tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo; nhóm chỉ tiêu về kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm tác động xấu đến môi trường; nhóm chỉ tiêu về hiệu quả kinh tế - xã hội, đổi mới sáng tạo và bền vững.

Dự thảo kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đã xác định 5 chủ đề, 17 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 56 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể. Đồng thời, đề xuất 35 nhóm vật liệu, sản phẩm, chất thải và dịch vụ thuộc 9 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên thực hiện kinh tế tuần hoàn phân theo lộ trình đến năm 2030. Ngoài ra, còn có các nội dung về định hướng triển khai và tổ chức thực hiện.

Tại diễn đàn, đại diện cơ quan quản lý, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã cùng thảo luận về dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn. Các ý kiến đều đồng thuận với dự thảo và đóng góp các quan điểm, ý kiến vào lộ trình triển khai trong thời gian tới. Trong đó, chú trọng cách tiếp cận phù hợp và cơ chế tài chính để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại các ngành, lĩnh vực từ cấp trung ương đến địa phương, nhằm bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về biến đổi khí hậu, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, giảm ô nhiễm môi trường.

bo-tnmt(1).jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại diễn đàn.

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn kinh tế tuần hoàn 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc phát triển kinh tế tuần hoàn không thể bàn mãi về lý thuyết, nếu không có mục tiêu rõ ràng thì không thể thực hiện. Mục tiêu kinh tế tuần hoàn cần được nhìn trong toàn bộ chuỗi từ tài nguyên đến thiết kế, sản xuất, tiêu dùng; phải phát triển và giữ được tài nguyên mãi trường tồn, ở đây là tài nguyên tái tạo, tài nguyên trí thức.

Cách đây 5 năm, kinh tế tuần hoàn là một điều xa vời trong nghiên cứu của các học giả, nhưng đến nay, Việt Nam đang có những hành động thực tiễn, đoàn kết các bên liên quan để cùng tìm ra giải pháp hiện thực hóa. Kế hoạch hành động thực hiện kinh tế tuần hoàn là cơ sở để kết nối Chính phủ, doanh nghiệp, nhà khoa học, người dân, cộng đồng quốc tế; biến những điều phức tạp thành đơn giản và mỗi người đều nhận thức đúng, có sự cộng hưởng để đạt được mục tiêu cao nhất.