Nâng cao “sức đề kháng” của cơ quan báo chí chống lại những ảnh hưởng tiêu cực
Việc xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí không chỉ góp phần nhân lên những giá trị tiến bộ, nhân văn trong hoạt động báo chí, mà còn là sự động viên, khích lệ mỗi tòa soạn báo phấn đấu trở thành những điểm sáng về văn hóa, đồng thời góp phần tăng cường, nâng cao “sức đề kháng” của cơ quan báo chí chống lại những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài xã hội.
Thông điệp này được khẳng định tại Hội nghị Sơ kết 1 năm phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí”, do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chiều 16-11 tại Hòa Bình.
Lan tỏa những giá trị tốt đẹp, xây dựng người làm báo có nhân cách
Khẳng định mục tiêu xây dựng đội ngũ người làm báo, hội viên có tinh thần đoàn kết, có trách nhiệm với công việc, năng động, sẵn sàng cống hiến năng lực sáng tạo tác phẩm báo chí giàu chất văn hóa, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh: Thời gian qua, Hội Nhà báo Việt Nam luôn xác định việc xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài đối với Hội Nhà báo các cấp, các cơ quan báo chí. Trong đó, người làm báo giữ vị trí trung tâm, cùng với đó là phát huy hơn nữa vai trò của người đứng đầu.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp Hội triển khai thực hiện phong trào xây dựng môi trường văn hóa cơ quan báo chí và văn hóa của người làm báo Việt Nam ở cơ sở, ngày 21-6-2022, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Quyết định số 70a/QĐ-HNBVN về Bộ Tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam. Ngày 30-6-2022, Thường trực Hội ban hành Công văn hướng dẫn triển khai phong trào “Xây dựng môi trưởng văn hóa trong các cơ quan báo chí”.
Thực hiện quan điểm “cùng với đạo đức và pháp luật, văn hóa là công cụ để mỗi nhà báo tự soi chiếu chính mình”, hơn 1 năm qua, việc đẩy mạnh tạo lập không gian văn hóa đối với hoạt động báo chí được Hội Nhà báo Việt Nam đặc biệt đề cao. Qua đó, tạo sự chuyển biển mạnh mẽ về ý thức và hành động, tính tự tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức nghề nghiệp người làm báo, góp phần xây dựng đội ngũ người làm báo, hội viên gương mẫu, đoàn kết, chuyên nghiệp, nhân văn.
Nhà báo phải "bán" sự thông thái và tâm huyết
Trong khuôn khổ chương trình, nhiều nhà báo đã tham góp ý kiến nhằm phát huy hiệu quả việc xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí, gắn liền việc đề cao tinh thần tận tụy, trách nhiệm với công việc của nhà báo; hành nghề trung thực, công tâm, không vụ lợi, không sách nhiễu, cửa quyền, giữ gìn phẩm giá, tư cách người làm báo. Qua đó, một mặt bảo vệ uy tín tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam, uy tín cơ quan báo chí, mặt khác, nêu cao tính nhân văn trong tác phẩm báo chí, trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông.
Nhiều ý kiến thống nhất: Trong hoạt động nghiệp vụ hằng ngày của cơ quan báo chí, cần chú trọng việc sử dụng thông tin, hình ảnh đăng báo với tinh thần tôn trọng quyền con người, quyền riêng tư, không gây tổn thương tinh thần, nhân phẩm, danh dự cá nhân và tổ chức. Không đăng tải các hình ảnh bạo lực hoặc ảnh hưởng không tốt tới môi trường xã hội. Phát huy tích cực tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái với đồng nghiệp gặp hoạn nạn, tích cực tham gia hoạt động thiện nguyện, viết bài về các hoàn cảnh khó khăn kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng. Việc triển khai phong trào "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí" trong thời điểm hiện nay là một cách thức nhằm chấn chỉnh, siết chặt kỷ cương, góp phần giúp mỗi cơ quan báo chí, người làm báo tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm của mình trong "sứ mệnh của người cầm bút" với “tâm sáng, bút sắc, lòng trong".
Tại hội nghị, đại diện Hội Nhà báo thành phố Hà Nội, nhà báo Kiều Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực đã chia sẻ về thực trạng, giải pháp và công tác quản lý hội viên là phóng viên thường trú tại địa phương. Ông đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí có hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện khi cử phóng viên làm thường trú - văn phòng đại diện; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý để bảo đảm khép kín công tác quản lý, điều hành giữa Ban Biên tập và các văn phòng đại diện, hạn chế thấp nhất các sai phạm xảy ra; không cấp giấy giới thiệu đi tác nghiệp cho đội ngũ cộng tác viên...