Cần quy định về tổ chức tín dụng xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản
Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhận định, nếu không quy định rõ về tổ chức tín dụng xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản sẽ gây ảnh hưởng lớn đến thị trường.
Chiều 16-11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì, điều hành phiên họp.
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, về bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan, một số nội dung đã được thể hiện tại dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), bảo đảm đồng bộ, thống nhất với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và các luật có liên quan.
Tuy nhiên, trong trường hợp các dự thảo Luật đang được Quốc hội xem xét có sự thay đổi sẽ dẫn đến sự thiếu đồng bộ, thống nhất, Thường trực Ủy ban Kinh tế kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội thống nhất về các chính sách này tại dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản, trên cơ sở đó thể hiện đồng bộ tại các dự thảo luật có liên quan.
Về điều kiện đối với tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản, qua rà soát, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, trên thực tế có các trường hợp không đủ điều kiện để được làm người thành lập và quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp nhưng vẫn được quyền kinh doanh bất động sản và thực hiện các giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản. Vì vậy, dự thảo Luật được chỉnh lý để không làm hạn chế các quyền chính đáng, hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
Để bảo đảm thể hiện đúng bản chất của việc đặt cọc trong kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, đồng thời hạn chế rủi ro cho bên mua, thuê mua, thường là bên yếu thế, dự thảo Luật được chỉnh lý: “Chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc không quá 5% giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng từ khách hàng khi nhà ở, công trình xây dựng đã có đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của Luật này. Thỏa thuận đặt cọc phải ghi rõ giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng”.
Cơ bản đồng tình với các nội dung báo cáo của Thường trực Ủy ban Kinh tế, thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã xác định rõ, tất cả những giao dịch mua bán, cho thuê mua, cho thuê, nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã có chức năng kinh doanh bất động sản được điều chỉnh theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản. Còn phát triển dự án nhà ở thương mại thì được điều chỉnh bằng Luật Nhà ở, đất cho nhà ở thương mại được điều chỉnh bằng Luật Đất đai. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, sự phân định này đã được thể hiện thống nhất, một số chi tiết nhỏ cơ quan thẩm tra sẽ tiếp tục rà soát.
Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật liên quan đến tổ chức tín dụng, cho rằng chi nhánh ngân hàng nước ngoài quản lý tài sản, xử lý tài sản bảo đảm là nhà đất chưa có quy định cụ thể, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Kinh doanh bất động sản, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị dự thảo Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi) cần quy định cụ thể vấn đề này.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nêu quan điểm cho rằng, các tổ chức tín dụng không có chức năng kinh doanh bất động sản, do đó không nên đưa vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). “Tuy nhiên, nếu chúng ta không quy định ở Luật này và cũng không quy định ở Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ dẫn đến những vướng mắc trong xử lý tài sản bảo đảm, gây ảnh hưởng lớn đến thị trường. Qua ý kiến các bộ ngành, Bộ Xây dựng nhận thấy, trong dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) nên đưa quy định dẫn chiếu qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) về vấn đề này”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nói.
Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình, đánh giá cao về báo cáo, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý của Ủy ban Kinh tế trên cơ sở đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng, các cơ quan hữu quan. Với những nội dung tiếp thu, giải trình chỉnh lý có tính đồng thuận, thống nhất cao, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu tối đa những ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự án luật có chất lượng tốt nhất.