Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại đoàn kết dân tộc
“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”, câu nói thật giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành kim chỉ nam cho mọi hành động trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng và dân tộc ta.
1. Những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Trung Quốc dưới thời nhà Thanh mặc dù sở hữu lãnh thổ rộng, dân số đông nhất thế giới nhưng chính quyền phong kiến suy yếu, nội bộ lục đục, quân đội lạc hậu, không đủ sức chiến đấu nên đã bị thất thế trước quân khởi nghĩa Nghĩa Hòa Đoàn. Một số tổng đốc các tỉnh phía Nam đã liên kết với nhau để hỗ trợ phong trào khởi nghĩa, phớt lờ triều đình trung ương, vì vậy, triều đình nhà Thanh quyết định tìm kiếm sự hỗ trợ của các đế quốc bên ngoài. Hiệp ước Tân Sửu (1901) được ký kết giữa đại diện nhà Thanh với đại diện của 11 nước đế quốc sau sự kiện Nghĩa Hòa Đoàn và Liên quân 8 nước tấn công Bắc Kinh đã chính thức biến Trung Quốc thành quốc gia phong kiến nửa thuộc địa.
Trước bài học mất nước của nhà Thanh, ở nước ta, triều Nguyễn không những không cải cách thể chế để thích ứng với tình hình mới như người Nhật đã thành công với cuộc Minh Trị Duy Tân (1869), mà ngược lại còn áp dụng chính sách cực đoan, bế quan tỏa cảng khiến nền kinh tế ngày càng thêm kiệt quệ, nhân dân ngày càng đói khổ.
Trong hoàn cảnh đó, mâu thuẫn giữa chính quyền phong kiến với nhân dân - chủ yếu là nông dân - đã trở nên vô cùng gay gắt, kịch liệt, dẫn tới hàng loạt cuộc khởi nghĩa xuyên suốt các đời vua nhà Nguyễn, kể từ vua đầu tiên Gia Long đến vua Tự Đức - ông vua "được" chứng kiến sự xâm lược của thực dân Pháp.
Để bảo vệ đặc quyền đặc lợi của mình, triều đình nhà Nguyễn dồn mọi lực lượng quân sự vào việc dập tắt các cuộc khởi nghĩa nông dân. Quá trình tiến hành đàn áp quyết liệt đó khiến lực lượng quân sự của triều đình suy yếu dần, đồng thời cũng ít nhiều làm suy giảm khả năng kháng chiến to lớn trong nhân dân, vô hình trung đã tạo điều kiện thuận lợi cho thực dân Pháp trong việc thôn tính Việt Nam.
2. Sau khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhân dân trên mọi miền đất nước đã liên tiếp đứng lên chống giặc. Tuy nhiên, các phong trào đều lần lượt thất bại do chưa tìm ra một con đường cứu nước đúng đắn, chưa có một lực lượng xã hội và một tổ chức cách mạng chặt chẽ đủ sức lãnh đạo phong trào. Cách mạng Việt Nam đứng trước sự bế tắc và khủng hoảng về đường lối cứu nước.
Tháng 6-1925, Hội Thanh niên Cách mạng Việt Nam (Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội) được thành lập, dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Ái Quốc. Sau một thời gian hoạt động, sự phát triển của phong trào cách mạng đòi hỏi phải được tổ chức và lãnh đạo cao hơn, phải xây dựng được đội ngũ lãnh đạo thống nhất về tư tưởng, triển khai phương án đấu tranh hiệu quả. Tháng 3-1929, chi bộ cộng sản đầu tiên được thành lập ở Bắc Kỳ (nhà số 5D phố Hàm Long, Hà Nội), với sự tham gia của các đồng chí Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh...
Ngày 17-6-1929, đại biểu các tổ chức cộng sản ở Bắc Kỳ đã họp, thống nhất thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Mùa thu năm 1929, Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội tuyên bố giải tán tổ chức, cùng với Kỳ bộ Nam Kỳ thành lập An Nam Cộng sản Đảng. Sau đó, các tổ chức cộng sản ở Trung Kỳ đã tiến hành đại hội, thống nhất thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (ngày 30-12-1929).
Như vậy, chỉ trong vòng nửa năm, 3 tổ chức cộng sản đã liên tiếp ra đời. Trước tình hình này, Quốc tế Cộng sản đã gửi thư kêu gọi các nhóm cộng sản ở Việt Nam thống nhất lại. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc, khi đó là Ủy viên Bộ Phương Đông, phụ trách Cục Phương Nam đã thay mặt Quốc tế Cộng sản triệu tập cuộc họp để hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam.
Ngày 3-2-1930, hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam họp ở Cửu Long (Hồng Kông, Trung Quốc) do Nguyễn Ái Quốc chủ trì, tham dự có đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng. Đông Dương Cộng sản Liên đoàn không kịp cử đại biểu đến họp. Tại hội nghị, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nêu rõ sứ mệnh giải phóng dân tộc, cứu nước cứu dân. Để làm được việc đó, cần có đảng tiên phong để tập hợp lực lượng.
Người khẳng định: "Đoàn kết là lực lượng mạnh nhất", "Đoàn kết là sức mạnh vô địch", "Đoàn kết là then chốt của thành công". Hội nghị đã nhất trí thành lập một đảng thống nhất lấy tên là Đảng Cộng Sản Việt Nam, thông qua các văn kiện: "Chánh cương vắn tắt", "Sách lược vắn tắt", "Chương trình tóm tắt" và "Điều lệ vắn tắt"... Hội nghị hợp nhất có giá trị lịch sử như Đại hội thành lập Đảng, chấm dứt tình trạng chia rẽ, phân tán của phong trào cộng sản, làm cho sức mạnh của hạt nhân lãnh đạo phong trào cách mạng tăng lên gấp bội.
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, việc xây dựng và giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là nền tảng cho mọi thành công. Người khẳng định: "Đoàn kết là lực lượng mạnh nhất", "Đoàn kết là sức mạnh vô địch", "Đoàn kết là then chốt của thành công".
Trong bản Di chúc trước khi đi xa, Người căn dặn: "Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của nhân dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình".
Từ "đoàn kết" được Người nhắc lại 3 lần trong đoạn văn trên. Qua đó, Người khẳng định vai trò to lớn của khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Đoàn kết, thống nhất không chỉ là vấn đề sinh tử của từng tổ chức Đảng các cấp, mà còn là sinh mệnh của toàn Đảng, là vấn đề sống còn của cách mạng.
3. Xây dựng và giữ vững đoàn kết trong Đảng là một việc khó, nhưng để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc lại càng khó hơn. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề đại đoàn kết dân tộc. Người có tới hơn 400 bài nói, bài viết, câu chuyện về đoàn kết dân tộc. Đặc biệt, Người đã đúc kết tinh thần này thành khẩu hiệu, thành thơ ca để dễ tuyên truyền, lan tỏa, dễ nhớ, dễ thuộc.
Ngay khi mới trở về Việt Nam lãnh đạo phong trào cách mạng, Người đã viết cuốn "Lịch sử Việt Nam" bằng thơ để làm công cụ tuyên truyền. Tập thơ ngắn chưa đầy 250 dòng nhưng tóm lược cả lịch sử dân tộc, tư tưởng chủ đạo là lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết. Người phân tích sự suy vong của các triều đại phong kiến và thất bại của các cuộc khởi nghĩa trong lịch sử: "Kể gần sáu trăm năm giời/ Ta không đoàn kết bị người tính thôn", "Vì dân đoàn kết chưa sâu/ Cho nên thất bại trước sau mấy lần"...
Trong bài thơ "Hòn đá to" (đăng trên báo Việt Nam độc lập ngày 21-4-1942), Người đưa ra bài học triết lý, nhân sinh quan sâu sắc:
"Hòn đá to/ Hòn đá nặng/ Chỉ một người/ Nhắc không đặng.
Hòn đá nặng/ Hòn đá bền/ Chỉ ít người/ Nhắc không lên.
Hòn đá to/ Hòn đá nặng/ Nhiều người nhắc/ Nhắc lên đặng.
Biết đồng sức/ Biết đồng lòng/ Việc gì khó/ Làm cũng xong...".
Nói về đoàn kết dân tộc một cách sâu sắc, giản dị, hơn thế là diễn nôm theo kiểu văn vần để những người dân bình thường đều có thể hiểu thì chỉ có ở Hồ Chí Minh. Đoàn kết càng rộng rãi, chặt chẽ thì việc gì khó đến mấy cũng làm xong, thắng lợi càng lớn, càng vẻ vang. Đại đoàn kết là cội nguồn làm nên sức mạnh dân tộc. Và, Người đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ mà ai trong mỗi chúng ta cũng đều thuộc: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công".