Một số điểm mới của Giải thưởng Tạ Quang Bửu
Giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng của Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm vinh danh các nhà khoa học Việt Nam là tác giả của công trình nghiên cứu cơ bản xuất sắc trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật.
Qua 9 năm tổ chức và triển khai, mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 18/2023/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế Giải thưởng Tạ Quang Bửu ban hành kèm theo Thông tư số 01/2015/TT-BKHCN. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-10-2023.
Theo đó, Giải thưởng Tạ Quang Bửu sẽ mở rộng việc xem xét trao giải thưởng cho các nhà khoa học nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, khoa học nhân văn. Các tiêu chí đánh giá, xét tặng giải thưởng được áp dụng chung bên cạnh việc xem xét tính đặc thù trong mỗi lĩnh vực.
Giải thưởng sẽ tiếp nhận hồ sơ theo hình thức đề cử: Các nhà khoa học xuất sắc được đồng nghiệp, tổ chức phát hiện, giới thiệu, không phải làm hồ sơ để các cơ quan quản lý khen thưởng.
Bên cạnh đó, Hội đồng Giải thưởng sẽ xem xét, lựa chọn nhà khoa học để trao giải thưởng thông qua việc đánh giá kết quả nghiên cứu cơ bản trong tối đa 3 bài báo khoa học quốc tế được công bố trong thời gian 7 năm. Điều này giúp xem xét toàn diện hơn thành tích của các nhà khoa học, đồng thời vẫn duy trì cơ hội cho các nhà khoa học trẻ tương đương với nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu.
Giải thưởng được tổ chức định kỳ 3 năm/lần và được tăng số lượng giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ (dưới 35 tuổi) đối với mỗi nhóm lĩnh vực. Việc giảm tần suất tổ chức giải thưởng nhằm nâng cao số lượng và chất lượng hồ sơ đăng ký và đề cử giải thưởng trong mỗi kỳ tổ chức.