Chăm lo tốt nhất cho nhà giáo
Trong những năm qua, nhờ có các chính sách mới, tổng thu nhập của nhà giáo đã từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, xét về tính chất đặc thù nghề nghiệp, thu nhập của nhà giáo vẫn còn thấp. Hiện nhiều địa phương gặp khó khăn vì có biên chế nhưng không có nguồn tuyển giáo viên, trong khi số giáo viên nghỉ việc, chuyển việc chưa có dấu hiệu dừng lại.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn có cuộc họp trực tuyến qua 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố với giáo viên cả nước. Trong số hơn 6.000 câu hỏi gửi đến người đứng đầu ngành Giáo dục, có gần 2.000 ý kiến đề nghị xem xét vấn đề lương, chế độ cho giáo viên quá thấp, khiến nhiều người bỏ nghề hoặc phải làm thêm để sống. Trong khi cả nước thiếu hơn 110.000 giáo viên ở các cấp thì 3 năm qua có hơn 40.000 người bỏ việc. Lý do chính là chế độ đãi ngộ chưa tương xứng, công việc áp lực.
Đặc biệt, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn 2022-2026, riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Tuy nhiên, trong năm học này các địa phương mới chỉ tuyển dụng mới được 15.541 giáo viên.
Thu nhập không tương xứng, áp lực công việc nhiều đó là những gì đang hiện hữu đối với không ít giáo viên. Vì vậy, đội ngũ nhà giáo rất cần được quan tâm, tạo điều kiện cả về vật chất lẫn tinh thần để yên tâm cống hiến. Tin vui đến với đội ngũ “kỹ sư tâm hồn” dịp 20-11 này, đó là tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 7-11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã khẳng định, khi thực hiện cải cách tiền lương, lương giáo viên sẽ được ưu tiên xếp cao nhất trong thang bảng lương hành chính, sự nghiệp.
Nhằm cải thiện phần nào thu nhập của nhà giáo, nhất là đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có nhiều đề xuất như giảm tuổi nghỉ hưu giáo viên mầm non, tăng phụ cấp ưu đãi giáo viên mầm non, tiểu học… Những đề xuất này được giáo viên cả nước đồng thuận.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt”. Để các chính sách cải cách tiền lương giáo viên sớm đi vào cuộc sống, các bộ, ngành cần tiếp tục chủ động quán triệt, triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục - đào tạo bằng các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, thiết thực. Theo đó, thời gian tới, ngành Giáo dục cùng các ngành chức năng cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến đội ngũ giáo viên sao cho phù hợp với thực tiễn, tương xứng với lao động đặc thù của nhà giáo. Các cơ chế, chính sách cần tập trung chăm lo tốt nhất cả về vật chất và tinh thần, nhất là cho giáo viên mầm non, giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, giáo viên giảng dạy các ngành nghề đặc thù, qua đó giúp đội ngũ nhà giáo cải thiện điều kiện sống, yên tâm công tác và cống hiến.
Nhà giáo là nghề đặc biệt. Ở bất kỳ một chế độ xã hội nào, nhà giáo cũng được xã hội trân trọng và tin cậy. Tuy nhiên, “Có thực mới vực được đạo”, do đó chúng ta hy vọng các cơ chế, chính sách cải thiện, nâng cao thu nhập cho giáo viên sớm được ban hành, đi vào cuộc sống. Qua đó, giúp các thầy giáo, cô giáo gắn bó với nhiệm vụ cao cả là chăm sóc, nuôi dưỡng những hạt giống tâm hồn, để những hạt mầm của đạo đức, tri thức, sự tử tế… luôn tỏa sáng, cho xã hội ngày càng tốt đẹp, đất nước ngày càng phồn vinh.